Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (Shirking a Trade Remedy) là gì?
Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (Shirking a Trade Remedy) (Nguồn: Báo Mới)
Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (Shirking a Trade Remedy)
Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Shirking a Trade Remedy.
Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là hành vi nhằm trốn tránh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thực thi biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực đối với hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp này khi nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam. (Theo Luật Quản lí ngoại thương năm 2017)
Các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại
Thông qua sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam
Hàng hóa bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Hàng hóa tương tự với hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam từ nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư nhập khẩu từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được bán với giá thấp hơn giá thông thường của hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;
2. Nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được nhập khẩu vào Việt Nam với mục đích chủ yếu để sản xuất hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;
3. Hoạt động sản xuất, lắp ráp gia tăng đáng kể tại Việt Nam ngay trước hoặc kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra;
4. Nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chiếm ít nhất 60% tổng giá trị nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư để sản xuất, lắp ráp hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tại Việt Nam.
Thông qua sản xuất, lắp ráp tại nước thứ ba
Hàng hóa bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Giá xuất khẩu của hàng hóa từ nước thứ ba vào Việt Nam thấp hơn giá thông thường của hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu;
2. Khối lượng, số lượng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam chiếm tỉ lệ lớn trong tổng lượng bán hàng của nhà sản xuất, xuất khẩu;
3. Khối lượng, số lượng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt đầu và gia tăng đáng kể ngay trước hoặc kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra;
4. Nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chiếm ít nhất 60% tổng giá trị nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư của hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại xuất khẩu vào Việt Nam.
Thông qua thay đổi không đáng kể hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại
Hàng hóa được xem là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Khối lượng, số lượng nhập khẩu hàng hóa gia tăng đáng kể so với khối lượng, số lượng nhập khẩu hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại vào Việt Nam của nhà sản xuất, xuất khẩu;
2. Khối lượng, số lượng nhập khẩu hàng hóa gia tăng đáng kể ngay trước hoặc kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra. (Theo Nghị định Số: 10/2018/NĐ-CP)