Kiểm toán hoạt động (Performance Audit) là gì? Ý nghĩa của kiểm toán hoạt động
Hình ảnh minh họa (Nguồn: static.tapchitaichinh.vn)
Kiểm toán hoạt động (Performance Audit)
Khái niệm
Kiểm toán hoạt động trong tiếng Anh là performance audit.
Kiểm toán hoạt động (Performance Audit) là loại kiểm toán nhằm để xem xét và đánh giá về tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả của các hoạt động được kiểm toán.
Tính kinh tế là sự tiết kiệm các nguồn lực, nghĩa là để đạt được mục tiêu nhật định cần dùng một lượng nguồn lực ít nhất (kẻ cả trong mua sắm và sử dụng).
Tính hiệu lực là khả năng về mức độ hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu đã xác định của đơn vị.
Tính hiệu quả là việc đạt được kết quả cao nhất với một lượng nguồn lực nhất định.
Ý nghĩa của kiểm toán hoạt động
Có rất nhiều lĩnh vực khác nhau cần phải kiểm tra và theo dõi về tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả nên đối tượng của kiểm toán hoạt động cũng rất phong phú và đa dạng. Chúng không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tài chính mà còn có thể bao gồm nhiều lĩnh vực và hoạt động khác như việc đánh giá cơ cấu tổ chức, một phương án kinh doanh, một qui trình công nghệ, một hệ thống máy tính, hay một lại tài sản, thiết bị mới đưa vào hoạt động...
Việc xác định các tiêu chuẩn, chuẩn mực để đánh giá về tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả của các hoạt động là việc làm rất khó khăn, việc lượng hóa các mặt trên thành các tiêu chuẩn để đánh giá là việc làm mang nặng tính chủ quan. Do vậy, việc đánh giá kết quả trong kiểm toán hoạt động cũng một phần mang tính chất chủ quan.
Để thực hiện cuộc kiểm toán hoạt động đòi hỏi người kiểm toán viên phải am hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau như kế toán, tài chính, kinh tế, khoa học, kĩ thuật... Hoặc có thể mời chuyên gia về lĩnh vực chuyên sâu tham ga công việc kiểm toán.
Kết quả kiểm toán hoạt động (Performance Audit) là một báo cáo, trong đó đánh giá về tính hiệu lực, tính kinh tế và tính hiệu quả của hoạt động đã được kiểm toán; đồng thời phân tích ưu, nhược điểm và đề xuất của kiểm toán viên về hoạt động đó. Những ý kiến tư vấn này rất hữu ích đối với các nhà quản lí đơn vị để chấn chỉnh, cải tiến quản lí và điều hành hoạt động có chất lượng và hiệu quả tốt hơn trong tương lai.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Lý thuyết kiểm toán, Chủ biên: TS. Nguyễn Viết Lợi, Ths. Đậu Ngọc Châu, năm 2013, NXB. Tài Chính)