Khung chính sách (Policy Framework) là gì? Nội dung và vai trò của khung chính sách
Hình minh họa (Nguồn: luatdfc.com)
Khung chính sách
Khái niệm
Khung chính sách trong tiếng Anh là Policy Framework.
Khung chính sách bao gồm hệ thống các quy định hành chính, luật pháp và chiến lược của nhà nước để trên cơ sở đó, chính phủ, các cơ quan thuộc chính phủ và địa phương điều hành hoạt động của nền kinh tế nhằm đạt được mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.
Nội dung của khung chính sách
Khung chính sách bao gồm 2 cấp độ: Khung chính sách quốc tế và khung chính sách quốc gia.
- Khung chính sách quốc tế bao gồm những nhân tố thuộc về các hiệp định đầu tư song phương và đa phương, các liên kết kinh tế quốc tế…
- Khung chính sách quốc gia được chia làm 2 nhóm: khung chính sách vòng trong và khung chính sách vòng ngoài.
• Khung chính sách vòng trong là những qui định quốc gia, liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Đó là những qui định liên quan đến việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, những qui định về bảo hộ đầu tư và các tiêu chuẩn đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài.
• Khung chính sách vòng ngoài là những chính sách liên quan gián tiếp đến FDI như chính sách thương mại, chính sách tư nhân hóa, chính sách M&A, chính sách thuế, tài chính…
Vai trò của khung chính sách
Khung chính sách nằm trong nhóm môi trường đầu tư mềm (là môi trường bao gồm hệ thống các dịch vụ hành chính công, dịch vụ pháp lí liên quan đến hoạt động đầu tư, hệ thống các dịch vụ tài chính - ngân hàng, kế toán, kiểm toán…) trong hệ thống môi trường đầu tư của các quốc gia.
Khung chính sách không phải là hàng loạt các nguyên tắc bắt buộc áp đặt trên cơ sở của chính phủ mà nó là một công cụ hữu hiệu để giúp các chính phủ xác định vai trò của các vấn đề quan trọng nếu các chính phủ muốn tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Điều đầu tiên các nhà đầu tư quan tâm khi quyết định đầu tư vào một quốc gia là khung chính sách của quốc gia đó, bởi vì khung chính sách có ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh lợi nhuận của nguồn vốn đầu tư, dưới các khía cạnh khác nhau như:
• Tốc độ tăng trưởng của thị trường
• Khả năng tiếp cận thị trường trong khu vực và thế giới của nhà đầu tư
• Sự tin cậy và sự ưa chuộng của người tiêu dùng cũng như khả năng thanh toán của người tiêu dùng
• Cơ cấu thị trường…
( Tài liệu tham khảo: Giáo trình Đầu tư quốc tế, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội)