|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chính sách phân phối (Distribution Policy) là gì? Mục đích và chức năng của chính sách phân phối

13:58 | 05/12/2019
Chia sẻ
Chính sách phân phối (tiếng Anh: Distribution Policy) có vai trò vô cùng quan trọng trong chính sách Marketing.
shipping

Hình minh họa (Nguồn: senseplus.vn)

Chính sách phân phối

Khái niệm

Chính sách phân phối trong tiếng Anh là Distribution Policy.

Phân phối là quá trình tổ chức, kinh tế, kĩ thuật nhằm điều hành và vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng đạt hiệu quả kinh tế cao.

Theo quan điểm Marketing, việc xây dựng một chính sách phân phối không chỉ dừng lại ở việc quyết định khối lượng hàng hóa sẽ được tiêu thụ thông qua sự hoạt động mua bán của các trung gian mà nó còn bao gồm cả việc tổ chức vận hành các mạng lưới trung gian đó để kết hợp nhịp nhàng hoạt động tiêu thụ hàng hóa phù hợp với từng biến động trên thị trường.

Mục đích của chính sách phân phối

Một chính sách được xây dựng phải đảm bảo đưa hàng hóa dịch vụ kịp thời từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Bởi vì việc sản xuất hàng hóa được tổ chức ở một địa điểm còn người tiêu dùng có mặt ở khắp mọi nơi. 

Mà ngay ở trên một khu vực thị trường, người tiêu dùng cũng sẽ khác nhau về nhu cầu, cách sử dụng, mục đích mua sắm... cũng như khác nhau về những yêu cầu số lượng, chất lượng… Do đó, hoạt động phân phối hàng hóa của doanh nghiệp phải đảm bảo cung cấp đủ số lượng, chất lượng và kịp thời gian so với nhu cầu trên thị trường.

Trong hoạt động phân phối hàng hóa, sự di chuyển hàng hóa đồng thời với sự di chuyển quyền sở hữu từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Doanh nghiệp thu được tài chính để bù đắp chi phí và tiếp tục tái đầu tư. Mỗi doanh nghiệp phải tự tìm kiếm cho mình những thị trường có lợi nhất phù hợp với tiềm lực và khả năng của mình và phải dự đoán được cả sự biến đổi trong tương lai.

Thông qua phân phối hàng hóa, các thành viên tham gia vào hoạt động phân phối sẽ cung cấp các thông tin về hàng hóa dịch vụ người sản xuất đến người tiêu dùng. Ngược lại, thông qua họ, doanh nghiệp cũng sẽ thu nhận được các thông tin phản hồi từ thị trường, từ phía người tiêu dùng.

Trong quá trình bán hàng, doanh nghiệp có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với các thành viên trung gian, với người tiêu dùng cuối cùng. Mối quan hệ này diễn ra thường xuyên liên tục tạo điều kiện cho việc xây dựng, củng cố hình ảnh của doanh nghiệp, nhãn hiệu của hàng hóa.

Chức năng của chính sách phân phối

Phân phối thực hiện các công việc lưu thông hàng hóa từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Nó khắc phục được các vấn đề về thời gian, không gian và khoảng cách giữa hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng. 

Các thành viên trong hoạt động phân phối tham gia vào một số các chức năng quan trọng như thu thập thông tin, xúc tiến, đàm phán, cung cấp tài chính, phân phối vật chất, hoàn thiện hàng hóa và chia sẻ rủi ro.

Các chức năng trong phân phối luôn đi kèm theo các chi phí phát sinh khi thực hiện chúng. Khi các chức năng này được chuyển giao cho các trung gian thì phi phí hoạt động kinh doanh của trung gian sẽ tăng lên. 

Tuy nhiên, để quyết định xem ai sẽ là người đảm nhận chức năng này cần phải dựa trên hiệu quả công việc mà họ sẽ thu được giảm bớt rủi ro cho hoạt động phân phối hàng hóa.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Marketing lí thuyết, NXB Giáo dục)

Đức Nhượng