|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Khấu hao (Amortization hoặc Depreciation) là gì? Phân biệt khái niệm Amortization và Depreciation

14:30 | 07/11/2019
Chia sẻ
Khấu hao (tiếng Anh: Amortization hoặc Depreciation) là phương pháp phân bổ dần chi phí của tài sản kinh doanh theo từng năm trong suốt vòng đời sử dụng của tài sản đó.
KHẤU HAO LÀ GÌ? PHÂN BIỆT GIỮA KHÁI NIỆM KHẤU HAO AMORTIZATION VÀ DEPRECIATION - Ảnh 1.

(Nguồn: educba.com)

Khấu hao 

Khái niệm

Khấu hao là phương pháp phân bổ dần chi phí của tài sản kinh doanh theo từng năm trong suốt vòng đời sử dụng của tài sản đó. 

Trong tiếng Anh, cả hai khái niệm AmortizationDepreciation đều là khấu hao. Điểm khác biệt chính giữa chúng liên quan đến việc loại tài sản nào đang được khấu hao.

Khấu hao tài sản cố định vô hình (Amortization)

Khấu hao tài sản cố định vô hình – danh từ, trong tiếng Anh được gọi bằng từ Amortization.

Khấu hao tài sản cố định vô hình là phương pháp phân bổ dần chi phí sử dụng tài sản trong suốt vòng đời của tài sản đó. Tài sản cố định vô hình là loại tài sản không phải tài sản hiện vật (physical assets). Những ví dụ về tài sản cố định vô hình được khấu hao theo phương pháp này là:

• Bằng sáng chế và thương hiệu

• Thỏa thuận nhượng quyền

• Các công thức độc quyền, bản quyền

• Chi phí phát hành trái phiếu tăng vốn

• Chi phí tổ chức, chi phí khai lập

Không giống như khấu hao tài sản cố định hữu hình, khấu hao tài sản cố định vô hình thường được phân bổ theo phương pháp khấu hao đường thẳng. Nghĩa là qua mỗi giai đoạn trong vòng đời sử dụng của tài sản, một khoản chi phí bằng nhau sẽ được khấu trừ. Ngoài ra, những tài sản cố định vô hình được khấu hao thường sẽ không có giá trị bán lại hay giá trị còn lại giống như khi khấu hao tài sản cố định hữu hình.

Khấu hao tài sản cố định hữu hình (Depreciation)

Khấu hao tài sản cố định hữu hình – danh từ, tiếng Anh được gọi bằng từ Depreciation.

Khấu hao tài sản cố định hữu hình là phương pháp phân bổ chi phí của một tài sản cố định trong suốt vòng đời sử dụng của tài sản đó. Tài sản cố định hay tài sản cố định hữu hình là loại tài sản hiện vật có thể sờ thấy được. Một vài ví dụ về những tài sản cố định hữu hình thường được khấu hao là:

• Nhà cửa

• Trang thiết bị

• Nội thất văn phòng

• Xe cộ

• Đất đai

• Máy móc

Vì tài sản cố định hữu hình thường có một giá trị còn lại ở cuối vòng đời sử dụng, cho nên phương pháp khấu hao tài sản cố định hữu hình được tính bằng cách lấy chi phí ban đầu của tài sản đó trừ đi chi phí còn lại (hoặc chi phí bán lại). 

Một sự khác biệt nữa là khấu hao tài sản cố định hữu hình được phân bổ đều qua hằng năm dựa theo vòng đời dự kiến của tài sản đó. Nói cách khác, khoản chi phí khấu hao hàng năm là một khoản giảm trừ thuế cho doanh nghiệp đến khi hết vòng đời sử dụng dự kiến của tài sản đó.

Ví dụ, một tòa nhà văn phòng có thể được sử dụng nhiều năm trước khi ngừng hoạt động và bị bán đi. Chi phí sử dụng tòa nhà đó được chia đều ra theo số năm sử dụng dự kiến của nó, và từng phần của chi phí đó sẽ được hạch toán vào mỗi năm.

Một số tài sản cố định hữu hình có thể được khấu hao theo phương pháp khấu hao nhanh, nghĩa là một phần lớn giá trị tài sản sẽ được phân bổ vào những năm đầu tiên sử dụng. Ví dụ, xe cộ thường được khấu hao bằng phương pháp khấu hao nhanh.

Lưu ý đặc biệt

Sự hao cạn - danh từ, tiếng Anh được gọi bằng từ Depletion.

Sự hao cạn là một cách khác để hạch toán chi phí của tài sản kinh doanh. Phương pháp này liên quan đến việc phân bổ chi phí sử dụng tài nguyên thiên nhiên theo thời gian. Ví dụ, một giếng dầu thường sẽ có thời gian khai thác hữu hạn trước khi cạn kiệt. Vì vậy, chi phí thiết lập giếng dầu sẽ được phân bổ đều trong thời gian sử dụng ước tính của giếng dầu.

Khấu hao tài sản cố định hữu hình, khấu hao tài sản cố định vô hình và sự hao cạn là ba dạng chi phí phi tiền mặt vì không cần phải chi tiêu tiền mặt để hạch toán những chi phí này. Cũng cần lưu ý rằng tại một vài quốc gia, ví dụ như Canada, khái niệm Amortization và Depreciation có thể được sử dụng thay thế cho nhau để chỉ cả tài sản vô hình và tài sản hữu hình.

(Theo Investopedia)

Thiên Cơ