|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Kênh phân phối liên kết dọc theo hợp đồng (Contractual VMS) là gì?

09:11 | 07/10/2019
Chia sẻ
Kênh phân phối liên kết dọc theo hợp đồng (tiếng Anh: Contractual Vertical Marketing System, viết tắt: Contractual VMS) là hình thức của kênh liên kết dọc trong đó các công ty ở các cấp phân phối khác nhau liên kết với nhau thông qua hợp đồng.
Author Meet & Greet

Hình minh họa

Kênh phân phối liên kết dọc theo hợp đồng (Contractual VMS)

Định nghĩa

Kênh phân phối liên kết dọc theo hợp đồng trong tiếng Anh là Contractual VMS. Kênh phân phối liên kết dọc theo hợp đồng là một hình thức của kênh liên kết dọc, trong đó các công ty độc lập ở các cấp phân phối khác nhau liên kết với nhau thông qua hợp đồng.

Kênh phân phối liên kết dọc theo hợp đồng được hưởng lợi từ hiệu quả kinh tế theo qui mô và phạm vi tiếp thị lớn.

Nội dung VMS hợp đồng

- Kênh phân phối liên kết dọc theo hợp đồng bao gồm các cơ sở độc lập ở nhiều khâu sản xuất và phân phối khác nhau cùng thống nhất các chương trình của họ trên cơ sở các hợp đồng kinh tế.

- Đây là các hợp đồng phân phối dài hạn, trong đó qui định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các bên, cách thức giải quyết khi có mâu thuẫn xung đột xảy ra.

Ý nghĩa VMS hợp đồng

- Hình thức kênh phân phối liên kết dọc theo hợp đồng thường được sử dụng trong phương thức phân phối chọn lọc, trong các hợp đồng thỏa thuận đại phân phối qui định cụ thể các điều khoản qui định rõ quyền hạn trách nhiệm và hành vi ứng xử của các thành viên trong kênh phân phối.

- VMS theo hợp đồng được coi là hệ thống liên kết dọc phổ biến nhất hiện nay. Nó được sử dụng phổ biến trong việc phân phối các sản phẩm lâu bền, có giá trị lớn như ô tô, xe máy, sản phẩm công nghiệp, và với một số loại sản phẩm tiêu dùng.

Phân loại kênh phân phối liên kết dọc theo hợp đồng

Có ba kiểu VMS hợp đồng:

(1) Chuỗi tình nguyện do nhà bán buôn bảo trợ: Hợp đồng giữa nhà bán buôn và từng nhà bán lẻ.

(2) Hợp tác bán lẻ: Hợp đồng giữa các nhà bán lẻ nhỏ với nhau để trở thành một hợp tác xã bán lẻ có quyền như một nhà bán buôn.

(3) Đặc quyền kinh tiêu:

Hợp đồng giữa người chủ quyền và người nhận quyền để được tiến hành hoạt động kinh doanh theo những điều kiện nhất định: Giữa nhà sản xuất (chủ quyền) và người bán lẻ (nhận quyền), giữa nhà sản xuất (chủ quyền) và người bán buôn (nhận quyền), giữa công ty dịch vụ (chủ quyền) và người bán lẻ (nhận quyền).

(Tài liệu tham khảo: Chiến lược phân phối, Tổ hợp giáo dục Topica)

Minh Lan