Hùng biện hình ảnh (Visual rhetoric) là gì? Ưu và nhược điểm
Hùng biện hình ảnh
Khái niệm
Hùng biện hình ảnh trong tiếng Anh gọi là: Visual rhetoric.
Barthes (1977) đã đề xuất khái niệm “hùng biện hình ảnh”, theo đó, hùng biện hình ảnh sử dụng hình ảnh của người hay vật thể, vượt ra khỏi hình ảnh quen thuộc của chúng để gây ấn tượng mạnh, thu hút sự chú ý và thuyết phục người xem.
Visual rhetoric có thể sắp đặt các hình ảnh một cách bất bình thường để tạo ra các hiệu ứng của so sánh ngầm, ngoa dụ, đối ngẫu v.v. Tương tự như các biện pháp dùng lời truyền thống. Các hình ảnh khi được sắp đặt một cách hợp lí sẽ khiến người xem có các suy diễn về thông tin hàm ẩn có lợi cho sản phẩm.
Cũng theo quan điểm này, Bulmer &Buchanan Oliver xác định rõ: “Hùng biện hình ảnh có thể được mô tả như một dạng truyền thông có sử dụng hình ảnh để biểu đạt nghĩa hoặc xây dựng các luận cứ.
Do vậy, việc phân tích hùng biện hình ảnh sẽ bao gồm xem xét hình ảnh hoạt động ra sao khi đứng riêng hoặc kết hợp với các yếu tố khác để tạo nên một luận chứng nhằm tác động đến một đối tượng người xem nhất định”.
Theo Tiến sĩ Clāra Ly-Le, MPRCA, Giám đốc điều hành của EloQ Communications, dựa trên thuật hùng biện của Aristotle, hùng biện hình ảnh sử dụng hình ảnh người nổi tiếng, động vật, đồ vật hoặc thậm chí là những bức tranh hoạt hình một cách chiến lược để tạo ra sự thuyết phục vượt xa khỏi định nghĩa của người hay vật được sử dụng.
Áp dụng nguyên lí này, quảng cáo bằng hình ảnh có thể truyền tải một lượng thông tin đáng kể trong nháy mắt. Thông qua các hình ảnh, nhiều yếu tố như màu sắc, ánh sáng, bố cục, điệu bộ và biểu cảm được truyền đạt đồng thời.
Ưu và nhược điểm
Hùng biện hình ảnh giúp tránh sử dụng từ ngữ rườm rà. Ngôn ngữ của hình ảnh chuyển tải được thông điệp của quảng cáo một cách nhanh chóng, phát huy sự tích cực trong tư duy của khán giả.
Visual rhetoric cũng có nhược điểm. Ví dụ nó có thể làm quảng cáo trở nên khó hiểu khi sử dụng quá nhiều hình ảnh đan xen với nhịp độ nhanh khiến người xem không kịp xác lập những mối liên hệ giữa chúng.
(Tài liệu tham khảo: Nghiên cứu hiệu quả của một số yếu tố cấu thành quảng cáo, Vũ Xuân Đoàn, Tạp chí Công thương, 2017)