Hợp tác với đối thủ (Coopetition) là gì? Lí do doanh nghiệp hợp tác với đối thủ
Hình minh họa. Nguồn: gooddata.com
Hợp tác với đối thủ
Khái niệm
Hợp tác với đối thủ trong tiếng Anh là Coopetition.
Coopetition là từ ghép giữa "cooperation" (hợp tác) và "competition" (cạnh tranh).
Hợp tác với đối thủ là hành động hợp tác giữa các công ty vốn có các hoạt động kinh doanh cạnh tranh lẫn nhau. Một số doanh nghiệp có được lợi ích bằng cách sử dụng hỗn hợp hợp lí giữa việc hợp tác với các nhà cung cấp, khách hàng và các công ty sản xuất các sản phẩm bổ sung hoặc liên quan.
Hợp tác với đối thủ là một loại liên minh chiến lược đặc biệt phổ biến giữa các công ty phần mềm và công ty sản xuất phần cứng.
Hợp tác với đối thủ là một hệ tư tưởng kinh doanh được xây dựng trực tiếp từ những hiểu biết thu được từ lí thuyết trò chơi. Trò chơi hợp tác với đối thủ là mô hình thống kê xem xét các cách thức có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp bằng cách hợp tác với các đối thủ cạnh tranh.
Chiến thuật này được cho là một thông lệ kinh doanh tốt giữa hai doanh nghiệp vì nó có thể dẫn đến việc mở rộng thị trường và hình thành các mối quan hệ kinh doanh mới. Trong khả năng này, các thỏa thuận về tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm trong một ngành hoặc giữa hai đối thủ cạnh tranh là cần thiết.
Mô hình hợp tác với đối thủ
Mô hình thống kê này xác định lợi ích của việc hợp tác với đối thủ và cũng xem xét việc phân bổ thị phần giữa các đối thủ cạnh tranh để tối đa hóa thị phần của các công ty hàng đầu. Mô hình ban đầu được phác thảo dưới hình dạng kim cương, với khách hàng, nhà cung cấp, đối thủ cạnh tranh và doanh nghiệp bán sản phẩm/dịch vụ bổ sung ở mỗi góc.
Mục đích của sự hợp tác với đối thủ, và với bản thân mô hình này, là để chuyển thị trường từ một trò chơi có tổng bằng không, trong đó một người chiến thắng duy nhất, đến một môi trường mà kết quả cuối cùng mang lại lợi ích cho toàn bộ và làm cho mọi người có lợi hơn.
Mấu chốt của mô hình là hiểu các biến đầu vào ảnh hưởng đến người chơi trong viên kim cương để lựa chọn cạnh tranh hay hợp tác. Sự hiểu biết này dẫn đến việc biết những tác động nào nào sẽ khiến người chơi cạnh tranh và những tác động nào sẽ khiến họ hợp tác, và tới mức độ nào.
Lí do doanh nghiệp hợp tác với đối thủ
Ngành công nghệ là lĩnh vực có hoạt động hợp tác với đối thủ phổ biến nhất. Hợp tác giữa các đối thủ cho phép tạo ra sự đồng bộ giữa phần cứng và phần mềm. Nhiều công ty khởi nghiệp, đặc biệt là trong ngành công nghệ, cũng cạnh tranh trong một thị trường tương tự nhưng có những lợi thế riêng.
Do đó, hai đối thủ cạnh tranh có thể có những điểm mạnh bổ sung lẫn nhau, và do đó lập những thỏa thuận hợp tác để chia sẻ lợi ích chung. Sự hợp tác giữa hai công ty công nghệ có thể làm tăng cơ hội gia tăng số lượng người dùng của mỗi công ty thông qua quảng cáo chéo.
Thông thường trong lĩnh vực khởi nghiệp và ngành công nghiệp công nghệ, hai hoặc nhiều đối thủ cạnh tranh đều đang chiến đấu với một đối thủ lớn hơn và chúng có thể hợp tác để chống lại kẻ thù lớn hơn.
Sự hợp tác với đối thủ trong ngành công nghệ khá phổ biến vì thông thường hai đối thủ cạnh tranh có thể sẽ được mua lại hoặc hợp nhất, tạo thành một tổ chức mạnh hơn.
(Theo investopedia)