|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hình thức hợp đồng trực tiếp (Direct Contracting) trong đấu thầu là gì?

16:11 | 11/10/2019
Chia sẻ
Hợp đồng trực tiếp (tiếng Anh: Direct Contracting) là một hình thức rất hiếm khi xuất hiện trong kế hoạch đấu thầu của dự án đầu tư.
apples-to-apples-making-cost-benefit-comparisons-in-climate-policy

Hợp đồng trực tiếp (Direct Contracting) (Nguồn: Template)

Hợp đồng trực tiếp (Direct Contracting)

Hợp đồng trực tiếp - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Direct Contracting.

Hợp đồng trực tiếp là hình thức đấu thầu, trong đó bên mời thầu thỏa thuận với nhà thầu đã hoặc đang thực hiện gói thầu về việc thực hiện tiếp khối lượng phát sinh với điều kiện hầu như không thay đổi so với hợp đồng đã kí trước đây. (Theo Giáo trình Đấu thầu, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Trường hợp áp dụng hình thức hợp đồng trực tiếp

Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, một gói thầu nào đó của dự án đang, hoặc thậm chí đã thực hiện xong, phát sinh thêm khối lượng so với dự kiến trước đây. Vậy, đối với phần công việc phát sinh thì bên mời thầu cần lựa chọn nhà thầu như thế nào?

Về lí thuyết, bên mời thầu có thể áp dụng hình thức cạnh tranh rộng rãi hoặc cạnh tranh hạn chế. Tuy nhiên, việc đó là không cần thiết vì sẽ dẫn đến lãng phí thời gian cũng như tài chính do phải thực hiện đầy đủ các bước của qui trình lựa chọn nhà thầu. Hơn nữa, nhà thầu được lựa chọn có thể không tốt hơn nhà thầu trước.

Vì vậy, phương án tốt nhất là bên mời thầu thỏa thuận với nhà thầu đã hoặc đang thực hiện gói thầu về việc thực hiện tiếp khối lượng phát sinh với điều kiện hầu như không thay đổi so với hợp đồng đã kí trước đây.

Hoặc, một dự án đầu tư mới lại có gói thầu với nội dung tương tự như một gói thầu đã được thực hiện ở một dự án khác của cùng một chủ đầu tư. Trong trường hợp này, chủ đầu tư có thể chọn luôn nhà thầu trước để thực hiện gói thầu trong dự án mới nếu như năng lực tài chính và kĩ thuật của nhà thầu còn đáp ứng yêu cầu của gói thầu mới, và các điều kiện khác hầu như không thay đổi.

Áp dụng hình thức hợp đồng trực tiếp, chủ đầu tư sẽ tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí để tổ chức đấu thầu.

Hoặc, trong trường hợp cần thay thế phụ tùng hỏng hóc của máy móc thiết bị, với yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo tính đồng bộ thì nhà thầu đã từng cung cấp máy móc thiết bị sẽ được lựa chọn để cung cấp các phụ tùng thay thế. Hình thức lựa chọn nhà thầu này chủ yếu được áp dụng cho các gói thầu cung cấp hàng hóa sản xuất sẵn.

Điều kiện áp dụng hình thức hợp đồng trực tiếp trong đấu thầu 

- Nhà thầu cũ phải là nhà thầu được lựa chọn qua các hình thức cạnh tranh rộng rãi, chào hàng cạnh tranh hoặc cạnh tranh hạn chế chứ không phải là chỉ định thầu; 

- Nội dung của nhu cầu mua sắm lần sau phải tương tự như nội dung gói thầu trước;

- Khoảng cách giữa hai lần mua sắm không quá dài để đảm bảo nhà thầu vẫn còn đủ năng lực và các điều kiện thực hiện hợp đồng vẫn được giữ nguyên.

Nếu thiếu một trong ba điều kiện trên, hình thức hợp đồng trực tiếp không nên được lựa chọn vì sẽ làm ảnh hưởng tới nguyên tắc cạnh tranh và hiệu quả của đấu thầu. Do đó, hình thức hợp đồng  trực tiếp thường rất hiếm khi xuất hiện trong kế hoạch đấu thầu của dự án đầu tư. (Theo Giáo trình Đấu thầu, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Khai Hoan Chu

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.