|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Cạnh tranh hạn chế (Restricted Tendering) trong đấu thầu là gì?

14:23 | 11/10/2019
Chia sẻ
Cạnh tranh hạn chế (tiếng Anh: Restricted Tendering) là một hình thức lựa chọn nhà thầu.
apples-to-apples-making-cost-benefit-comparisons-in-climate-policy

Cạnh tranh hạn chế (Restricted Tendering)

Cạnh tranh hạn chế (Restricted Tendering)

Cạnh tranh hạn chế - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Restricted Tendering.

Cạnh tranh hạn chế là hình thức lựa chọn nhà thầu mà theo đó, bên mời thầu chỉ lựa chọn một số nhà thầu cụ thể để tham gia đấu thầu, từ đó chọn ra nhà thầu thực hiện gói thầu. Điều đó có nghĩa là nhà thầu thắng thầu được lựa chọn từ một số lượng nhà thầu hạn chế đã được xác định từ trước. (Theo Giáo trình Đấu thầu, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Đây là điều trái ngược với hình thức cạnh tranh rộng rãi, khi nhà thầu thắng thầu được lựa chọn từ một số lượng nhà thầu hoàn toàn chưa được xác định trước. Câu hỏi đặt ra là, hình thức này có thể áp dụng trong những trường hợp nào thì được coi là hợp lí và có làm ảnh hưởng tới các nguyên tắc của đấu thầu hay không?

Các trường hợp áp dụng hình thức cạnh tranh hạn chế

Trường hợp thứ nhất 

Đây là trường hợp là gói thầu mà nhiều nhà thầu có khả năng thực hiện, nhưng ít nhà thầu mong muốn. Mặc dù những gói thầu này không đòi hỏi nhà thầu phải có năng lực tài chính và kĩ thuật ở mức độ cao, song có thể lợi nhuận mang lại là không nhiều hoặc phải thực hiện trong điều kiện không thuận lợi. 

Trường hợp thứ hai

Là trường hợp gói thầu có nhiều nhà thầu mong muốn, nhưng không nhiều nhà thầu có đủ năng lực, do những gói thầu không đơn giản về kĩ thuật hoặc qui mô lớn, đòi hỏi nhà thầu phải có năng lực tài chính và kĩ thuật phù hợp.

Ngoài hai trường hợp trên, trong các gói thầu lớn của dự án đầu tư sử dụng vốn ODA song phương, nước nhận tài trợ phải thực hiện cam kết áp dụng hình thức cạnh tranh hạn chế với sự tham gia của một số nhà thầu của nước nhận tài trợ và một số nhà thầu của nước tài trợ.

Lí do để các nhà tài trợ song phương đưa ra điều kiện ràng buộc này là: nhà thầu của nước nhận tài trợ chưa đủ năng lực thực hiện gói thầu và mang lại việc làm cho các nhà thầu của nước tài trợ, do nguồn vốn tài trợ được hình thành từ sự đóng góp của các doanh nghiệp của nước tài trợ.

Nhược điểm của hình thức cạnh tranh hạn chế

Có thể thấy rằng, hình thức cạnh tranh hạn chế làm ảnh hưởng phần nào đến nguyên tắc cạnh tranh trong đấu thầu, khi đặc điểm của gói thầu không được xác định chính xác. 

Cùng một gói thầu song có người cho rằng nên áp dụng hình thức cạnh tranh rộng rãi vì yêu cầu về kĩ thuật không cao, song người khác lại cho rằng cần áp dụng hình thức cạnh tranh hạn chế do yêu cầu về kĩ thuật ở mức độ phức tạp. Sự khác biệt trong nhận thức không phải lúc nào cũng có thể khắc phục bằng hệ thống pháp luật.

Khi lựa chọn hình thức cạnh tranh hạn chế, bên mời thầu khắc phục được những khó khăn của hình thức cạnh tranh rộng rãi, song lại có thể phải đối mặt với những bất lợi khác như đưa nhiều nhà thầu vào danh sách ngắn, hoặc bỏ sót những nhà thầu có năng lực và mong muốn tham gia đấu thầu.

Vì vậy, hình thức cạnh tranh hạn chế không khuyến khích áp dụng phổ biến và cần được cân nhắc, kiểm soát chặt chẽ trước khi lựa chọn, nhằm tránh việc bên mời thầu lợi dụng để chỉ tạo cơ hội tham gia đấu thầu cho một số nhà thầu quen biết. (Theo Giáo trình Đấu thầu, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Khai Hoan Chu

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.