|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hiệp hội Cao su Việt Nam (The Vietnam Rubber Association - VRA) là gì?

16:00 | 08/11/2019
Chia sẻ
Hiệp hội Cao su Việt Nam (tiếng Anh: The Vietnam Rubber Association - VRA) là loại tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hoạt động trong ngành cao su hoặc có liên quan đến ngành cao su.
VRA

Hình minh họa (Nguồn: vietlaorubber)

Hiệp hội Cao su Việt Nam

Khái niệm

Hiệp hội Cao su Việt Nam trong tiếng Anh gọi là: The Vietnam Rubber Association - VRA.

Hiệp hội Cao su Việt Nam (dưới đây gọi tắt là Hiệp hội) là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tập hợp và đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức và công dân Việt Nam hoạt động trong ngành cao su hoặc có liên quan đến ngành cao su.

Được thành lập trên cơ sở tự nguyện nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển bền vững ngành cao su và kinh tế - xã hội của đất nước.

(Tài liệu tham khảo: Quyết định Số 2623/2018/QĐ-BNV Phê duyệt Điều lệ Hiệp hội Cao su Việt Nam)

Một số hoạt động chủ yếu của Hiệp hội Cao su Việt Nam

-      Hỗ trợ Hội viên trong các hoạt động sản xuất, xúc tiến thương mại và giao thương, kêu gọi đầu tư, cập nhật thông tin, đặc biệt là thông tin về thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, tham dự và tổ chức hội nghị, hội chợ, triển lãm, tham quan học tập, xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường, đào tạo…

-      Kết nối doanh nghiệp, Hội viên với các cơ quan quản lí Nhà nước và các tổ chức liên quan để đề xuất và triển khai các hoạt động hỗ trợ ngành cao su phát triển bền vững;

Hỗ trợ Hội viên, doanh nghiệp triển khai các phương thức quản lí tiên tiến, hoạt động sản xuất kinh doanh tuân thủ luật pháp quốc gia, thông lệ quốc tế và các hiệp ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã kí kết;

Ứng dụng công nghiệp 4.0, tận dụng hiệu quả các điều kiện ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do, đề cử trao tặng các danh hiệu khen thưởng về chất lượng sản phẩm, uy tín thương mại…

-      Đề xuất giải pháp quản lí và nâng cao chất lượng cao su thiên nhiên Việt Nam trên cơ sở pháp lí hiện hành và yêu cầu mới của thị trường; 

Phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất xây dựng những quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia đối với nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra để có khung pháp lí cho việc kiểm soát chất lượng.

-      Xây dựng và phát triển Thương hiệu ngành cao su Việt Nam thông qua sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận "Cao su Việt Nam / Viet Nam Rubber" với các tiêu chí tiếp cận những hệ thống chứng chỉ quốc tế phù hợp.

-      Tăng cường hợp tác với các tổ chức cao su quốc tế và các quốc gia tiêu thụ cũng như sản xuất cao su để trao đổi thông tin, đóng góp ý kiến về phát triển ngành cao su bền vững;

Tìm giải pháp cân đối cung cầu làm cơ sở ổn định giá, đa dạng hóa nguồn thu nhập kết hợp đa dạng sinh học để giảm rủi ro cho người trồng cao su; 

Tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế để tiếp cận xu thế mới của thị trường và giới thiệu các thành tựu của ngành cao su Việt Nam.

-      Tiếp tục phát triển Quĩ Bảo hiểm xuất khẩu cao su, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ tài chính.

(Tài liệu tham khảo: Trang thông tin điện tử Hiệp hội Cao su Việt Nam)


Tuyết Nhi