Hiệp định RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership) là gì?
Hiệp định RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership) (Nguồn: ASEAN)
Hiệp định RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership)
Hiệp định RCEP - danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Regional Comprehensive Economic Partnership, viết tắt là RCEP.
Hiệp định RCEP hay còn gọi là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, là một hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia thành viên của ASEAN với 6 đối tác đã có FTA với ASEAN, bắt đầu đàm phán từ ngày 9/5/2013. (Theo Association of Southeast Asian Nations - ASEAN)
Vào 08/2012, 16 Bộ trưởng Kinh tế các nước RCEP đã công bố bản Hướng dẫn Qui tắc và Mục tiêu đàm phán của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), với sự tham gia của 10 nước thành viên ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), và 06 đối tác FTA của ASEAN (Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và New Zealand)
Nội dung hiệp định RCEP bao gồm: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế - kĩ thuật, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, giải quyết tranh chấp, thương mại điện tử, doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các vấn đề khác.
Mục tiêu đàm phán của hiệp định RCEP là đạt được một thỏa thuận hợp tác kinh tế tân tiến, toàn diện, có chất lượng cao và đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Vòng đàm phán RCEP chính thức được bắt đầu vào đầu năm 2013.
Quá trình đàm phán hiệp định RCEP
Hiệp định RCEP được khởi động đàm phán vào năm 2013, cho đến nay đã có 25 phiên đàm phán chính thức.
Trong cuộc đàm phán vào tháng 11/2018, các nhà Lãnh đạo Cấp cao cho rằng cuộc đàm phán RCEP năm 2018 đã đạt được tiến bộ đáng kể, hướng tới giai đoạn đàm phán cuối cùng, các bên tiếp tục quá trình đàm phán để kết thúc đàm phán trong năm 2019 với một Hiệp định RCEP tiến bộ, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.
Về mức độ kì vọng, Hiệp định RCEP được cho là sẽ có mức độ cam kết sâu rộng hơn với những tiến bộ đáng kể hơn so với các FTA ASEAN+ hiện hành, trong khi ghi nhận sự phát triển khác nhau của các bên tham gia. (Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung tâm WTO VCCI)