Hệ thống tài chính đô thị (Urban Financial System) là gì?
Hệ thống tài chính đô thị (Urban Financial System) (Nguồn: Quốc Dũng)
Hệ thống tài chính đô thị (Urban Financial System)
Hệ thống tài chính đô thị - danh từ, trong tiếng Anh tạm dịch là Urban Financial System.
Hệ thống tài chính đô thị là bộ phận cấu thành của hệ thống tài chính quốc gia, nơi mà các chủ thể của hệ thống tài chính đô thị tham gia vào thị trường tài chính. Trong hệ thống tài chính đô thị không có các khâu tài chính bảo hiểm và ngân hàng tín dụng như hệ thống tài chính quốc gia.
Đặc điểm của hệ thống tài chính đô thị
Tài chính đô thị là quá trình vận động liên tục phát sinh, phát triển của các nguồn tài chính làm thay đổi các mối quan hệ tiền tệ có liên quan chặt chẽ với hệ thống chính sách cơ chế quản lí đô thị để duy trì hoạt động thường xuyên của đô thị và thực hiện quá trình đô thị hóa. Hoạt động tài chính có liên quan tới tất cả các hoạt động đô thị.
Hệ thống tài chính đô thị bao gồm các tổ chức hoạt động theo các luồng khác nhau nhưng được vận hành theo cùng một cơ chế, chính sách quản lí.
Mục tiêu hoạt động của hệ thống tài chính đô thị là tăng nguồn thu, sử dụng nguồn thu để chi tiêu duy trì các hoạt động thường xuyên và kích thích phát triển kinh tế, dịch vụ, văn hóa giáo dục, nâng cao dân trí, bảo vệ sức khỏe, giảm ô nhiễm môi trường, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, chống lãng phí không cần thiết,...
Các quan điểm cơ bản về việc thiết lập và sử dụng hệ thống tài chính đô thị được bắt nguồn từ kinh tế học đô thị, xây dựng đô thị hay đô thị hóa trên cơ sở công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế, tạo ra các đô thị có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch.
Hệ thống tài chính đô thị hoạt động có hiệu quả khi quá trình tạo nguồn thông qua quá trình cấp phát thanh toán và hạch toán kinh tế với bộ máy và những nhà quản lí xây dựng đô thị giỏi, tác nghiệp quản lí phù hợp, hệ thống luật lệ và qui chế xây dựng và sử dụng, khai thác đô thị chặt chẽ, qui hoạch, thiết kế tối ưu, chế độ quản lí cấp đất hợp lí, có khả năng huy động, gọi vốn nhanh. (Theo Giáo trình Quản lí đô thị, NXB Thống kê)