|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mô hình thành phố mở (Open-city Model) là gì? Đặc điểm cấu trúc thành phố mở

16:32 | 03/12/2019
Chia sẻ
Mô hình thành phố mở (tiếng Anh: Open-city Model) là một thành phố có nhiều khu vực trung tâm lớn, nhỏ, cũ và mới.
Mô hình thành phố mở (The Open City Model) là gì? Đặc điểm cấu trúc thành phố mở - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn accucities.com)

Mô hình thành phố mở

Mô hình thành phố mở trong tiếng Anh là Open-city Model.

Mô hình thành phố mở là một thành phố có nhiều khu vực trung tâm lớn, nhỏ, cũ và mới. Tức là một thành phố có nhiều khu vực trung tâm cũ hay mở rộng thêm một số trung tâm mới ra các ngoại vi lân cận để tạo điều kiện cho sự di trú của các công ty sản xuất – kinh doanh.

Đặc điểm cấu trúc thành phố mở

Đặc điểm của cấu trúc thành phố mở là ngoài các khu đô thị có phố xá đông đúc liên tục thì ở giữa các khu đô thị mở rộng thêm có thể còn có xen kẽ các khu vực ruộng đồng, rừng cây, làng xã. Chúng được nối liền với nhau bằng hệ thống giao thông đô thị.

Trong thành phố mở, các điều kiện sản xuất, kinh doanh, mức giá cả thị trường của các loại đầu vào như: tiền công lao động, giá đất đai, giá nguyên vật liệu đều có sự khác nhau. Mức thu nhập của các cư dân trong các khu đô thị thành phố mở cũng khác nhau. Nhu cầu hưởng thụ về văn hóa, tinh thần và nhu cầu tiện nghi cho cuộc sống cũng khác nhau.

Vì vậy, cư dân có thể điều chỉnh chỗ ở tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế và các điều kiện khác của mỗi hộ gia đình như: tìm được công việc làm ở đâu, khả năng chi phí cho dịch vụ nhà ở, chi phí đi lại, sự thỏa mãn điều kiện sống… mà họ tự lựa chọn chỗ ở cho phù hợp.

Như vậy, sự lựa chọn của ai đó thích ở khu vực này hay chuyển sang khu vực khác là sự tính toán đầy đủ các yêu tố thuận lợi và khó khăn trong cuộc sống, điều kiện môi trường, các chi phí về dịch vụ nhà ở và chi phí đi lại bằng xe cộ có hiệu quả hay không để quyết định vị trí ở.

Đối với sự lựa chọn vị trí của các công ty, doanh nghiệp nên ở trong các khu vực lớn, gần trung tâm hay ra các khu vực nhỏ cũng đòi hỏi một sự tính toán.

Nếu công ty phát hiện ra những địa điểm ở khu vực lớn gần trung tâm đô thị có nhiều mặt lợi về tiêu thụ đầu ra và có điều kiện tiết kiệm các khoản chi phí khác, họ quyết định chọn địa điểm ở đó. Tuy nhiên, phải chấp nhận tiền thuê đất cao và tiền công lao động cao.

Nếu công ty chọn vị trí sản xuất ở khu vực nhỏ của đô thị thì trước mắt, có lợi là giá thuê đất rẻ, chi phí lương cho lao động hạ, nhưng phải tính toán kĩ điều kiện phát triển bền vững trong tương lai. Nếu có dấu hiệu sự phát triển của thị trường ở khu vực đó không thể lớn mạnh được hãy cẩn thận trong quyết định để tránh rủi ro.

(Tài liệu tham khảo: Một số vấn đề cơ bản về kinh tế đầu tư qui hoạch và quản lí cơ sở hạ tầng đô thị, NXB Xây dựng)

Đức Nhượng