Hệ thống quản lí môi trường (Environmental Management Systems - EMS) là gì? Lợi ích và mục đích
Hình minh họa (Nguồn: arabbrillianceacademy)
Hệ thống quản lí môi trường
Khái niệm
Hệ thống quản lí môi trường trong tiếng Anh gọi là: Environmental Management Systems.
Hệ thống quản lí môi trường là tập hợp các hoạt động quản lí có kế hoạch và định hướng về các thủ tục thực hiện, lập tài liệu, báo cáo.
Nó được triển khai nhờ một cơ cấu tổ chức riêng có chức năng, trách nhiệm, nguồn lực cụ thể để ngăn ngừa các tác động xấu về môi trường cũng như thúc đẩy các hoạt động duy trì và nâng cao các kết quả hoạt động môi trường.
Lợi ích đối với doanh nghiệp
Vấn đề môi trường ngày càng có ý nghĩa thực tiễn quan trọng cho mỗi tổ chức và doanh nghiệp. Tuỳ theo cách xử lí của mình, các vấn đề liên quan tới môi trường có thể có tác động xấu hoặc tốt cho chiến lược mục tiêu của họ.
Các doanh nghiệp thành đạt thường quan tâm tới các nguy cơ hiện tại cũng như các cố gắng đạt cơ hội có thể về môi trường vì ít nhất hai lí do chính sau:
• Tiết kiệm tài chính nhờ giảm chi phí, tránh được trách nhiệm về pháp lí
• Tạo thêm nguồn thu nhờ mở rộng và tìm kiếm thêm thị trường
Đặc biệt, hệ thống quản lí môi trường giúp cho doanh nghiệp:
• Xác định, kiểm soát mọi khía cạnh, mọi tác động và mọi nguy cơ môi trường có thể liên quan tới tổ chức;
• Đạt được chính sách mục tiêu về môi trường bao gồm cả trách nhiệm pháp lí;
• Xác định các nguyên tắc, các chỉ dẫn và phương thức để doanh nghiệp đạt được các mục tiêu môi trường trong tương lai;
• Xác định các mục tiêu dài hạn, ngắn hạn và trung hạn về tình trạng môi trường đảm bảo sự cân đối chi phí và lợi ích cho doanh nghiệp và các bên liên quan;
• Xác định các nguồn lực để đạt được các mục tiêu, xác định trách nhiệm và sự cam kết cung cấp các nguồn lực;
• Xác định và văn bản hoá các nhiệm vụ, trách nhiệm chức năng, các thủ tục để đảm bảo mỗi thành viên luôn thực hiện đúng các công việc hàng ngày, giúp việc giảm thiểu hoặc loại bỏ các tác động xấu cho môi trường;
• Tạo phương thức thị trường rộng rãi trong doanh nghiệp, đào tạo mọi người để họ có thể thực hiện đúng các công việc chức năng được giao;
• Đề ra các biện pháp để đảm bảo tuân thủ các thủ tục, các chuẩn mực, mục tiêu đã được thảo luận và có sửa đổi khi cần thiết.
Mục đích của hệ thống quản lí môi trường
• Nhận biết, kiểm soát các tác động cũng như các xu thế quan trọng về môi trường;
• Nhận biết và tận dụng các cơ hội về môi trường;
• Xác định các chính sách và cơ sở cho việc quản lí môi trường;
• Kiểm soát và khống chế, đánh giá tính hiệu quả hệ thống bao gồm việc thúc đẩy và cải biên để phù hợp với sự thay đổi của nhu cầu và các điều kiện.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình kinh tế và quản lí môi trường, Nguyễn Thế Chinh, Đại học Kinh tế Quốc dân)