Hệ số khả năng thanh toán chi phí tài trợ cố định (Fixed-Charge Coverage Ratio - FCCR) là gì?
Hình minh họa. Nguồn: rever.vn
Hệ số khả năng thanh toán chi phí tài trợ cố định
Khái niệm
Hệ số khả năng thanh toán chi phí tài trợ cố định trong tiếng Anh là Fixed-Charge Coverage Ratio, viết tắt là FCCR.
Hệ số khả năng thanh toán chi phí tài trợ cố định đo lường khả năng chi trả các khoản phí cố định của một công ty, như thanh toán nợ, chi phí lãi vay và chi phí thuê thiết bị. Nó cho thấy thu nhập của công ty có thể chi trả tốt như thế nào. Các ngân hàng thường nhìn vào tỉ lệ này khi đánh giá xem có nên cho một doanh nghiệp vay hay không.
Công thức tính
FCCR = (EBIT + FCBT) / (FCBT + i)
Trong đó:
EBIT là thu nhập trước lãi và thuế
FCBT là phí cố định trước thuế
i là lãi suất
Để xác định khả năng chi trả các khoản phí cố định của một công ty cần biết được thu nhập trước thuế và lãi vay (EBIT) từ báo cáo thu nhập của công ty, sau đó cộng thêm chi phí lãi vay, chi phí thuê và các khoản phí cố định khác. Sau đó, lấy giá trị EBIT được điều chỉnh chia cho tổng số chi phí cố định cộng với tiền lãi. Ví dụ, kết quả hệsố bằng 1,5 cho biết công ty đó có 1,50 đô la thu nhập cho mỗi 1 đô la nợ của nó và công ty này có tài chính khỏe.
Hệ số khả năng thanh toán chi phí tài trợ cố định cho bạn biết điều gì?
Hệ số khả năng thanh toán chi phí tài trợ cố định (FCCR) thường được sử dụng bởi những người cho vay muốn phân tích lượng tiền mặt mà một công ty có sẵn để trả nợ. Giá trị hệ số thấp cho thấy thu nhập giảm và kịch bản xấu có thể xảy ra cho công ty này, đây là điều mà những tổ chức cho vay cố gắng tránh.
Do đó, nhiều tổ chức cho vay sử dụng các tỉ lệ khả năng trả nợ, bao gồm tỉ lệ thu nhập theo lãi suất (TIE) và hệ số khả năng thanh toán chi phí tài trợ cố định để xác định khả năng của công ty trong việc nhận và trả thêm nợ. Những công ty có thể trang trải các khoản phí cố định với tốc độ nhanh hơn so với các công ty cùng ngành không chỉ hiệu quả hơn mà còn đem lại nhiều lợi nhuận hơn. Đó là những công ty muốn vay thêm để tài trợ cho các dự án phát triển kinh doanh chứ không phải để khắc phục hiệu quả hoạt động.
Doanh số và các chi phí liên quan đến doanh số đều được thể hiện trên báo cáo thu nhập của công ty. Một số chi phí biến đổi phụ thuộc vào khối lượng bán hàng trong một khoảng thời gian cụ thể. Khi doanh số tăng, chi phí biến đổi tăng theo. Các chi phí khác là chi phí cố định cần phải được thanh toán bất kể doanh nghiệp có hoạt động hay không.
Những chi phí cố định này có thể bao gồm các mục như thanh toán tiền thuê thiết bị, thanh toán bảo hiểm, trả góp cho khoản nợ hiện tại và thanh toán các cổ tức ưu tiên.
Ví dụ về hệ số khả năng thanh toán chi phí tài trợ cố định
Mục tiêu của hệ số FCCR là để xem thu nhập của công ty có thể chi trả cho các khoản phí cố định tốt như thế nào. Hệsố này rất giống với tỉ lệ TIE, nhưng nó là một biện pháp bảo thủ hơn xem xét thêm chi phí cố định.
Điểm khác biệt giữa hệ số khả năng thanh toán chi phí tài trợ cố định với TIE là nó thêm các khoản thanh toán cho thuê vào EBIT, sau đó chia cho tổng lãi và chi phí thuê. Ví dụ giả sử công ty A ghi nhận EBIT là 300.000 đô la, thanh toán tiền thuê 200.000 đô la và 50.000 đô la chi phí lãi vay.
Ta tính là 300.000 đô la cộng với 200.000 đô la chia cho 50.000 đô la cộng với 200.000 đô la, tức là 500.000 đô la chia cho 250.000 đô la hay hệ số khả năng thanh toán chi phí tài trợ cố định là 2. Suy ra thu nhập của công ty gấp hai lần so với chi phí cố định, tỉ lệ này là không cao. Giống như TIE, tỉ lệ càng cao thì công ty hoạt động càng tốt.
Hạn chế của hệ số khả năng thanh toán chi phí tài trợ cố định
FCCR không xem xét những thay đổi nhanh chóng về số vốn của các công ty mới và đang phát triển. Công thức của nó cũng không xem xét ảnh hưởng của các khoản tiền lấy ra từ thu nhập để trả cho việc rút vốn của các chủ sở hữu hay các khoản trả cổ tức cho các cổ đông. Những yếu tố này ảnh hưởng đến đầu vào của hệ số và kết quả có thể sai lệch.
Vì lý do này, khi các ngân hàng đánh giá mức độ uy tín tín dụng của một công ty đối với khoản vay, họ thường xem xét các phương thức khác ngoài hệ số khả năng thanh toán chi phí tài trợ cố định để có cái nhìn đầy đủ hơn về tình trạng tài chính của công ty đó.
(Theo Investopedia)