|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hàng rào kĩ thuật trong thương mại (Technical Barrier to Trade - TBT) là gì?

10:33 | 11/11/2019
Chia sẻ
Hàng rào kĩ thuật trong thương mại (tiếng Anh: Technical Barrier to Trade, viết tắt: TBT) là một công cụ điều chỉnh những vấn đề kĩ thuật của hàng hóa trong thương mại giữa các nước thành viên WTO.
2016-08-03-10-12-textileindustry_cropped_70

Hàng rào kĩ thuật trong thương mại (Technical Barrier to Trade - TBT) (Nguồn: World Trade Organization)

Hàng rào kĩ thuật trong thương mại (Technical Barrier to Trade - TBT)

Hàng rào kĩ thuật trong thương mại - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Technical Barrier to Trade, viết tắt là TBT.

Hàng rào kĩ thuật trong thương mại (TBT) hay rào cản kĩ thuật thương mại, là những quy định, tiêu chuẩn hoặc thủ tục có thể khiến việc xuất khẩu hàng hóa sang một quốc gia khác trở nên khó khăn hơn. TBT thường là trở ngại lớn cho các nhà xuất khẩu so với thuế quan (phí nhập khẩu). (Theo World Trade Organization - WTO)

Nguyên tắc trong hiệp định TBT

Mỗi quốc gia đều có các qui định kĩ thuật riêng về sản phẩm nhập khẩu vào nước mình, đó chính là hàng rào kĩ thuật. Trong thương mại, hàng rào kĩ thuật được xếp vào loại hàng rào phi thuế quan. 

Mục đích các rào cản kĩ thuật trong thương mại được đưa ra nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, các rào cản kĩ thuật sẽ làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu. Do vậy, hàng rào này sẽ hạn chế hàng hóa nhập khẩu của các nước khác.

Hiệp định về hàng rào kĩ thuật trong thương mại của WTO đề ra các nguyên tắc chính là: không phân biệt đối xử, không cản trở thương mại, công khai minh bạch về các biện pháp kĩ thuật mà các nước sử dụng, hài hòa tiêu chuẩn quốc gia với các tiêu chuẩn quốc tế, thừa nhận các kết quả thử nghiệm, kiểm tra, giám định chất lượng... của nhau.

Các bên cam kết không được sử dụng các tiêu chuẩn kĩ thuật gây cản trở hoạt động thương mại (tức là không được tạo ra các rào cản đối với thương mại) bằng cách: 

- Minh bạch hóa các qui định theo các nguyên tắc xây dựng chung;

- Phân định rõ các tiêu chuẩn kĩ thuật và qui định kĩ thuật;

- Hàng hóa phải được đối xử bình đẳng;

- Xây dựng hệ thống hỏi, đáp thông tin về các yêu cầu kĩ thuật đối với sản phẩm hàng hóa ở mỗi nước;

- Các hàng hóa chỉ có thể thiết lập các yêu cầu kĩ thuật khi liên quan đến vệ sinh, an toàn, điều kiện môi trường...

Như vậy, các qui định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa phải đảm bảo có sự đối xử bình đẳng giữa các nước thành viên WTO, giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.

Hiệp định TBT cũng bao gồm một bộ luật ứng xử qui định việc soạn thảo, thông qua và áp dụng các tiêu chuẩn của các cơ quan trung ương của các thành viên. Trong hiệp định TBT còn có qui định về cách thức các cơ quan địa phương và các tổ chức phi chính phủ được áp dụng các qui định riêng của mình trong khuôn khổ các nguyên tắc áp dụng cho các cơ quan trung ương. (Theo Giáo trình Tổ chức thương mại thế giới, NXB Chính trị quốc gia)

Khai Hoan Chu