|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Giá trị tài sản hữu hình ròng (Net Tangible Assets) là gì?Đặc điểm, nhược điểm và ưu điểm

11:02 | 15/06/2020
Chia sẻ
Giá trị tài sản hữu hình ròng (tiếng Anh: Net Tangible Assets) được tính bằng tổng tài sản của một công ty, trừ đi giá trị mọi tài sản vô hình, các khoản nợ và mệnh giá của cổ phiếu ưu đãi.
Giá trị tài sản thuần hữu hình (Net Tangible Assets) là gì?Đặc điểm, nhược điểm và ưu điểm - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Wallstreetmojo)

Giá trị tài sản hữu hình ròng

Khái niệm

Giá trị tài sản hữu hình ròng trong tiếng Anh là Net Tangible Assets.

Giá trị tài sản hữu hình ròng được tính bằng tổng tài sản của một công ty, trừ đi giá trị mọi tài sản vô hình như lợi thế thương mại, bằng sáng chế và nhãn hiệu; các khoản nợ và mệnh giá của cổ phiếu ưu đãi.

Nói cách khác, giá trị tài sản hữu hình ròng tập trung vào các tài sản hữu hình như tài sản, nhà máy và thiết bị, cũng như hàng tồn kho và các công cụ tiền mặt.

Để tính giá trị tài sản hữu hình ròng của một công ty trên mỗi cổ phiếu phổ thông, ta chia giá trị tài sản hữu hình ròng cho số lượng cổ phiếu đang lưu hành của cổ phiếu phổ thông: 

Giá trị tài sản hữu hình ròng trên mỗi cổ phiếu = Giá trị tài sản hữu hình ròng / Số lượng cổ phiếu đang lưu hành

Đặc điểm của Giá trị tài sản hữu hình ròng

Giá trị tài sản hữu hình ròng đại diện cho tổng số tài sản hữu hình của công ty trừ đi mọi khoản nợ.

Để tính giá trị tài sản hữu hình ròng, ta lấy giá trị thị trường hợp lí của tài sản hữu hình của công ty và trừ đi giá trị thị trường hợp lí của các khoản nợ.

Tài sản hữu hình có thể bao gồm các mục như tiền mặt, hàng tồn kho, các khoản phải thu, của cải, nhà máy và thiết bị. Nợ phải trả bao gồm các tài khoản phải trả, nợ dài hạn và các nghĩa vụ tương tự khác.

Ví dụ, nếu một công ty có tổng tài sản là 1 triệu USD, tổng nợ phải trả là 100.000 USD và lợi thế thương mại vô hình là 100.000 USD, thì giá trị tài sản hữu hình ròng của nó là: $1.000.000 - $100.000 - $100.000 = $800.000

Ưu điểm và nhược điểm của Giá trị tài sản hữu hình ròng

Việc tính toán giá trị tài sản hữu hình ròng của một công ty rất quan trọng vì nó cho phép đội ngũ quản lí của một công ty phân tích vị thế tài sản của công ty mà không bao gồm các tài sản vô hình lỗi thời hoặc khó định giá.

Chẳng hạn, tỉ suất lợi nhuận trên tài sản của công ty (ROA) thường chính xác hơn khi sử dụng giá trị tài sản hữu hình ròng.

Tuy nhiên, tính hữu ích của việc tính toán các giá trị tài sản hữu hình ròng khác nhau giữa các ngành. Các nhà sản xuất thiết bị y tế, ví dụ, có giá trị tài sản vô hình cao. Do đó, điều quan trọng là xem xét hệ số giá trên giá trị sổ sách (P/B) của một công ty và so sánh nó với các công ty tương tự để đánh giá hiệu suất.

Giá trị tài sản hữu hình ròng so với Giá trị tài sản hữu hình ròng trên mỗi cổ phiếu

Giá trị tài sản hữu hình ròng trên mỗi cổ phiếu (Net Tangible Assets Per Share) đôi khi được sử dụng thay thế cho giá trị tài sản hữu hình ròng.

Giá trị tài sản hữu hình ròng trên mỗi cổ phiếu được tính bằng cách lấy giá trị tài sản hữu hình ròng của công ty và chia cho tổng số cổ phiếu đang lưu hành.

Nếu một công ty có giá trị tài sản hữu hình ròng là 1 triệu USD và 500.000 cổ phiếu đang lưu hành, thì giá trị tài sản hữu hình ròng trên mỗi cổ phiếu là: $1.000.000 / $500.000 = $2

Tính toán giá trị tài sản hữu hình ròng trên mỗi cổ phiếu rất hữu ích khi tiến hành phân tích so sánh các công ty trong một ngành. 

Ví dụ, các nhà sản xuất ô tô có thể có giá trị tài sản hữu hình ròng trên mỗi cổ phiếu cao, trong khi một công ty phần mềm có mức tài sản vô hình cao có thể có giá trị tài sản hữu hình ròng trên mỗi cổ phiếu thấp hơn nhiều.

Do đó, chỉ sử dụng so sánh giá trị tài sản hữu hình ròng trên mỗi cổ phiếu này khi phân tích các công ty trong cùng ngành.

Ví dụ về Giá trị tài sản hữu hình ròng

Chúng ta hãy xem dữ liệu thực tế và tính toán giá trị tài sản hữu hình ròng cho công ty tại thời điểm đó.

Ví dụ: tính đến ngày 28/12/2014, công ty Zulily Incorporated có tổng tài sản là 492,378 triệu USD và tổng nợ phải trả là 216,415 triệu USD. Tuy nhiên, Zulily không có bất kì tài sản vô hình hay lợi thế thương mại nào.

Do đó, giá trị tài sản hữu hình ròng là: $492.378.000 - $216.415.000 = $275.963.000, tương đương với vốn chủ sở hữu của cổ đông.

(Theo Investopedia)

Minh Hằng