Game hoá (Gamification) là gì? Đặc điểm
Ảnh minh họa. Nguồn: Technology Advice.
Game hoá
Khái niệm
Game hoá trong tiếng Anh là Gamification.
Game hoá mô tả sự khuyến khích tham gia của mọi người vào các bối cảnh và hoạt động phi trò chơi bằng cách sử dụng những cơ chế kiểu trò chơi. Game hoá thúc đẩy xu hướng tự nhiên của mọi người để cạnh tranh, thi đua thành tích, hợp tác và từ thiện.
Các công cụ được sử dụng trong thiết kế trò chơi, chẳng hạn như phần thưởng cho người đạt được thành tích, "tăng cấp" và kiếm huy hiệu, được đưa vào thế giới thực để giúp thúc đẩy các cá nhân đạt được mục tiêu hoặc tăng hiệu suất.
Có rất nhiều ví dụ về game hoá, trong đó có chương trình phần thưởng khách hàng thường xuyên được cung cấp bởi các hãng hàng không. Các số liệu quan trọng có thể đo lường được của sự thành công từ việc chơi game bao gồm mức độ tham gia, mức độ ảnh hưởng, sự trung thành với thương hiệu, thời gian dành cho một hoạt động và khả năng lan truyền của trò chơi.
Đặc điểm của Game hoá
Game hoá mô tả việc kết hợp các ưu đãi trò chơi vào các hoạt động hàng ngày hoặc những hoạt động không phải là trò chơi. Bất cứ lúc nào các tính năng giống như trò chơi hoặc các khía cạnh của thiết kế trò chơi được đưa vào bối cảnh không phải trò chơi, thì được gọi là game hoá. Nói cách khác, các hoạt động trong thế giới thực được thực hiện giống như trò chơi để thúc đẩy mọi người đạt được mục tiêu của họ.
Các chương trình khách hàng thường xuyên, điểm thưởng cho khách hàng thân thiết và điểm người mua sắm thường xuyên là những ví dụ điển hình về việc sử dụng trò chơi hàng ngày. Trong tất cả các ví dụ này, khách hàng được khuyến khích tiếp tục "chơi" và tăng điểm bằng cách thưởng cho mức tiêu thụ liên tục.
Không phải tất cả các ví dụ về game hoá đều khuyến khích mọi người chi tiêu. Nike+ là một ứng dụng khuyến khích người dùng tập thể dục bằng cách biến việc tập thể dục cá nhân thành một trò chơi. Các tổ chức phi lợi nhuận tài trợ cho các sự kiện cạnh tranh lành mạnh (-a-thons) để tăng quyên góp từ thiện. Các nền tảng giáo dục như Khan Academy khuyến khích học tập thông qua việc mở khóa các cấp độ và huy hiệu khác nhau dựa trên việc hoàn thành thành công mục tiêu học tập.
Một nơi quan trọng áp dụng game hoá là nơi làm việc. Bằng cách áp dụng các yếu tố trò chơi cho công việc, công ty có thể giúp người lao động theo dõi hiệu suất của chính họ, đặt mục tiêu và tham gia vào cuộc cạnh tranh lành mạnh nhằm cải thiện môi trường làm việc và cải thiện hiệu suất kinh doanh. Nó có thể khuyến khích nhân viên nỗ lực hết mình và tặng họ phần thưởng gắn liền với mức độ nỗ lực của họ.
Rủi ro của game hoá
Game hoá rất hữu ích và thành công vì nó tận dụng tâm lí con người: ai cũng thích chiến thắng trong các trò chơi, đồng thời không thích hoặc thậm chí sợ thua cuộc. Kết quả là, nó cũng có thể có một số nhược điểm.
Khi game hoá, cần phải chọn các cơ chế và số liệu phù hợp. Vì đây là những gì người tham gia sẽ tập trung vào, nên các yếu tố trò chơi này phải thực sự khuyến khích mục tiêu hành vi được đề ra. Việc chơi game được thiết kế hoặc thực hiện kém có thể tạo ra sự phân tâm, khiến người chơi tham gia trò chơi theo đúng nghĩa đen của hệ thống hoặc dẫn đến việc người chơi tham gia vào trò chơi có tổng bằng không (hoặc thậm chí là âm), dẫn đến lãng phí thời gian và tiền bạc.
Các trò chơi đôi khi cũng có thể trở nên gây nghiện, như trò chơi video nhập vai và cờ bạc. Điều này làm tăng rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng phương pháp game hoá cho mục đích thương mại. Nếu một công ty thương mại có lợi từ nhân viên hoặc khách khi khiến họ nghiện làm việc hoặc tiêu thụ (và trả tiền) cho một sản phẩm, thì đây là một tính năng tích cực. Nhưng từ góc nhìn của công nhân và người tiêu dùng, nó có thể bị coi là thao túng hoặc bóc lột.
(Theo Investopedia)