|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Furlough là gì? Phân biệt với sa thải (Layoff)

11:16 | 27/05/2020
Chia sẻ
Furlough là việc sa thải nhân viên tạm thời, yêu cầu nhân viên nghỉ phép hoặc áp dụng các hình thức thay đổi giờ làm việc thông thường khác mà không trả lương trong một khoảng thời gian nhất định.
Furlough là gì? Phân biệt với sa thải (Layoff) - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: sequoia)

Furlough 

Khái niệm

Furlough tạm dịch sang tiếng Việt là nghỉ phép không lương.

Furlough là việc sa thải nhân viên tạm thời, yêu cầu nhân viên nghỉ phép hoặc áp dụng các hình thức thay đổi giờ làm việc thông thường khác mà không trả lương trong một khoảng thời gian nhất định.

Furlough có nghĩa là nhân viên tạm dừng làm việc, họ vẫn giữ được công việc của mình nhưng không được trả lương.

Thuật ngữ này được sử dụng trong quân đội cho những người lính chưa được xác định nhiệm vụ mới.

Hoàn cảnh áp dụng

Có nhiều lí do để công ty phải áp dụng biện pháp này, chẳng hạn như đóng cửa nhà máy hay tổ chức lại công ty trên diện rộng và công ty chưa biết nên giữ lại những nhân viên nào.

Trong thực tế, biện pháp Furlough ít được sử dụng hơn là biện pháp sa thải (Layoff). Chúng chỉ hữu ích trong các tình huống mà trong đó các yếu tố thúc đẩy việc sử dụng biện pháp Furlough cũng chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Chúng cũng được áp dụng phổ biến trong tình huống hoạt động kinh doanh bị gián đoạn tạm thời.

Sự khác biệt giữa Furlough và sa thải

Furlough là tạm ngừng làm việc, nhân viên vẫn giữ được công việc của họ nhưng không được trả lương. Trong thời gian Furlough, nhân viên vẫn được nhận các khoản phúc lợi và sẽ trở lại làm việc sau một khoảng thời gian nhất định. 

Đối với sa thải, nhân viên bị đuổi việc vĩnh viễn và không thể quay trở lại làm việc được nữa. Đối với người sử dụng lao động, một trong những lợi thế chính của Furlough hơn là sa thải nhân viên là họ có thể liên hệ lại những người lao động đã được đào tạo khi điều kiện công ty được cải thiện thay vì tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới.

Ví dụ

Tháng 3 năm 2020, các công ty ở Mỹ bắt đầu Furlough hàng chục nghìn nhân viên vì đại dịch virus Corona, khiến cho hoạt động kinh doanh phải đóng cửa trên tất cả các thành phố lớn.

Biện pháp Furlough có thể áp dụng trong ngắn hoặc dài hạn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh. Trong thời kì suy thoái kinh tế, một số công ty cắt giảm chi phí bằng cách áp dụng biện pháp không trả lương ở một số ngày bắt buộc mỗi tuần, tháng hoặc năm. 

Ví dụ, công ty có thể áp dụng chính sách yêu cầu nhân viên của mình phải nghỉ 4 ngày giữa ngày Giáng Sinh và Năm mới. Biện pháp này có thể coi là biện pháp Furlough, vì các nhân viên không được trả lương vào 4 ngày công ty yêu cầu nghỉ phép này.

(Tài liệu tham khảo: Furlough, Investopedia)

Diệu Nhi