Đường ngang chuyên dùng là gì? Qui định về đường ngang chuyên dùng
Đường ngang chuyên dùng (Dedicated Level Crossing)
Đường ngang chuyên dùng - danh từ, trong tiếng Anh tạm dịch là Dedicated Level Crossing.
Đường ngang chuyên dùng là đoạn đường bộ chuyên dùng giao nhau cùng mức với đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng và khai thác.
Qui định về đường ngang chuyên dùng
Chủ quản lí, sử dụng đường ngang chuyên dùng
1. Quản lí, bảo trì, tổ chức phòng vệ và duy trì trạng thái kĩ thuật của công trình đường ngang thuộc phạm vi quản lí sử dụng trong suốt quá trình khai thác theo qui định tại Thông tư này.
2. Bố trí định biên gác đường ngang do mình quản lí, sử dụng.
3. Có biện pháp sửa chữa kịp thời bảo đảm an toàn công trình đường ngang do mình quản lí, sử dụng, an toàn giao thông khi phát hiện có hư hỏng.
4. Lập hồ sơ quản lí đường ngang do mình quản lí, sử dụng theo qui định.
Hồ sơ quản lí đường ngang chuyên dùng
Hồ sơ quản lí đường ngang chuyên dùng bao gồm:
1. Hồ sơ quản lí đối với từng đường ngang chuyên dùng:
a) Hồ sơ hoàn công công trình đường ngang chuyên dùng và các công trình khác đã được cấp phép xây dựng trong khu vực đường ngang chuyên dùng theo qui định của pháp luật về xây dựng.
Trường hợp hồ sơ hoàn công bị thất lạc hoặc thiếu, các chủ thể qui định có trách nhiệm lập hồ sơ quản lí hiện trạng công trình đường ngang chuyên dùng;
b) Giấy phép xây dựng đường ngang chuyên dùng, quyết định đưa công trình đường ngang chuyên dùng vào khai thác, sử dụng;
c) Biểu thống kê trạng thái kĩ thuật và lí lịch đường ngang chuyên dùng;
d) Hồ sơ hành lang an toàn giao thông tại đường ngang chuyên dùng theo qui định của pháp luật về quản lí, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, có thể hiện các công trình kiến trúc, vật che khuất tầm nhìn trong phạm vi này; hồ sơ bảo vệ môi trường theo qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường (nếu có);
đ) Sổ nhật kí theo dõi hoạt động của đường ngang chuyên dùng đối với: Công trình đường ngang, thiết bị đường ngang và hệ thống báo hiệu đường ngang; Sổ kiểm tra định kì, đột xuất trạng thái đường ngang của Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lí sử dụng công trình đường ngang;
e) Hồ sơ kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền;
g) Đối với đường ngang có người gác, ngoài các qui định trên, hồ sơ quản lí đường ngang gồm có các sổ sách, bảng biểu sau: bảng giờ tàu, bảng phân công gác đường ngang, sơ đồ phòng vệ khi có chướng ngại trên đường ngang, những thao tác cụ thể của nhân viên gác đường ngang, bảng tóm tắt các điều kỉ luật của nhân viên gác đường ngang, sổ nhật kí gác đường ngang, sổ giao ban tuần đường; sổ kiểm tra ghi mệnh lệnh.
2. Biểu tổng hợp thống kê các đường ngang cho từng tuyến đường sắt theo địa giới hành chính quản lí cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh được công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Đường sắt Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ quản lí, sử dụng đường ngang chuyên dùng. (Theo Thông tư Số: 25/2018/TT-BGTVT)