|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Đổi mới sản phẩm (Product Innovation) là gì? Nội dung đổi mới

11:02 | 20/09/2019
Chia sẻ
Đổi mới sản phẩm (tiếng Anh: Product Innovation) bao gồm các sáng kiến, phương pháp, kĩ thuật và qui trình để thực hiện các cải tiến gia tăng cho các sản phẩm và dịch vụ hiện có.
capabilities-product-innovation

Hình minh hoạ (Nguồn: egyptinnovate)

Đổi mới sản phẩm

Khái niệm

Đổi mới sản phẩm trong tiếng Anh được gọi là product innovation.

Theo Tiêu chuẩn Quốc tế ISO 9000:2000 thì sản phẩm là kết quả của một quá trình tập hợp các hoạt động có liên quan lẫn nhau hoặc tương tác với nhau để biến đổi đầu vào thành đầu ra. Sản phẩm được phân chia thành nhiều loại, bao gồm dịch vụ, vật liệu chế biến, phần mềm, phần cứng...

Đổi mới sản phẩm bao gồm các sáng kiến, phương pháp, kĩ thuật và qui trình để thực hiện các cải tiến gia tăng cho các sản phẩm và dịch vụ hiện có. Nó liên quan đến việc thực hiện các thay đổi tiến hóa cho các sản phẩm sử dụng các công nghệ và khả năng tổ chức hiện hành.

Đổi mới sản phẩm là việc giới thiệu một hàng hóa hoặc dịch vụ mới hoặc được cải thiện đáng kể liên quan đến đặc điểm hoặc mục đích sử dụng của sản phẩm. Điều này bao gồm những cải tiến đáng kể về thông số kĩ thuật, các thành phần và vật liệu, phần mềm tích hợp, sự thân thiện với người dùng và các đặc điểm chức năng khác.

(Theo IGI Global)

Nội dung đổi mới

Đổi mới về sản phẩm bao gồm

- Đổi mới giá trị hiện thực của sản phẩm như: đổi mới chất lượng, mẫu mã, nhãn hiệu, bao bì, tính năng tác dụng. 

Ví dụ: Công ty Geyser (Liên bang Nga) đã đổi mới sản phẩm máy lọc nước RO để đưa ra thị trường máy lọc nước nano. 

Chất lượng, mẫu mã và tính năng tác dụng của máy lọc nước nano có sự khác biệt hoàn toàn so với máy lọc nước RO: Sử dụng lõi lọc nano, không dùng điện, không có nước thải.

- Đổi mới giá trị tiềm năng của sản phẩm như: bảo hành, lấy ý kiến về sự thỏa mãn của khách hàng, tín dụng thương mại.

- Đổi mới giá trị cốt lõi của sản phẩm: Giá trị cốt lõi của sản phẩm là lợi ích lớn nhất mà sản phẩm đem lại cho khách hàng. 

Ví dụ: Một cửa hàng bán cà phê nhỏ, thiết kế đơn giản chỉ cung cấp cho khách hàng sản phẩm là đồ uống - cà phê đen hoặc cà phê nâu. 

Khi cửa hàng thay đổi nguyên liệu, cách pha chế, mở rộng không gian, thiết kế lại cửa hàng, lúc đó cửa hàng đã đổi mới giá trị cốt lõi của sản phẩm, do vậy sản phẩm, dịch vụ mà khách hàng nhận được không chỉ là đồ uống thuần túy nữa mà còn là sự trải nghiệm, chia sẻ, nghệ thuật ẩm thực tinh tế...

Đổi mới các sản phẩm và dịch vụ thường gắn liền với sự đổi mới chiến lược và đổi mới công nghệ.

(Tài liệu tham khảo: Tổng quan về đổi mới, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)

Diệu Nhi