Đổi mới chiến lược (Strategic innovation) là gì? Đặc điểm cần lưu ý
Hình minh hoạ (Nguồn: sfc)
Đổi mới chiến lược
Khái niệm
Đổi mới chiến lược trong tiếng Anh được gọi là strategic innovation.
Trong kinh doanh, chiến lược được coi là phương hướng và giải pháp hành động trong dài hạn của một doanh nghiệp nhằm đạt được lợi thế kinh doanh thông qua việc xác định nguồn lực có thể sử dụng trong môi trường kinh doanh nhất định nhằm thỏa mãn nhu cầu của thị trường và đảm bảo lợi ích cho tất cả các tác nhân có liên quan.
Đối với các tổ chức nói chung, Alfred D. Chandler (1962) cho rằng "Chiến lược bao gồm những định hướng và mục tiêu dài hạn cơ bản của tổ chức và đưa ra phương án hành động và sự phân bổ các nguồn lực cần thiết để đạt được những định hướng, mục tiêu đó".
Đổi mới chiến lược của một tổ chức là sự đổi mới về mục đích, mục tiêu tổng thể dài hạn và đổi mới phương thức tổng thể để đạt được mục đích và mục tiêu đó.
Đổi mới cách thức để đạt được mục tiêu có thể được coi là đổi mới về các chính sách của tổ chức.
Ví dụ, khủng hoảng kinh tế châu Âu với những vấn đề nợ công, suy thoái kinh tế và thất nghiệp giai đoạn 2008 - 2010 buộc các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản Việt Nam đổi mới sang chiến lược đa dạng hóa ngay trong lòng thị trường EU, chuyển hướng sang các thị trường phi truyền thống, các thị trường mới nổi.
Đặc điểm lưu ý
Một số đặc điểm cần lưu ý của đổi mới chiến lược là:
- Đổi mới chiến lược thường là sự thay đổi gián đoạn do tác động của các yếu tố môi trường bên ngoài hệ thống như xu hướng toàn cầu hóa, khủng hoảng và suy thoái, sự phát triển công nghệ mới, ảnh hưởng của môi trường xã hội.
- Đổi mới chiến lược là cần thiết để đảm bảo sự sống còn của một tổ chức. Các nghiên cứu cho thấy rằng đổi mới chiến lược chưa chắc đảm bảo sự thành công, tuy nhiên nếu không đổi mới chiến lược trong bối cảnh môi trường có những biến động lớn thì chắc chắn tổ chức sẽ thất bại.
- Những đổi mới chiến lược trong điều kiện khủng hoảng có nguy cơ rủi ro cao do đổi mới chiến lược trong điều kiện khủng hoảng thường tiến hành trong thời gian ngắn, mặt khác kéo theo những đổi mới về cơ cấu, công nghệ, con người và những sản phẩm, dịch vụ cốt lõi của tổ chức và thậm chí đổi mới cả văn hóa, giá trị cốt lõi của tổ chức đó.
Vì vậy đổi mới chiến lược thường tạo ra sự kháng cự cao của các thành viên trong tổ chức.
(Tài liệu tham khảo: Tổng quan về đổi mới, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)