Doanh thu phụ trợ trong hàng không (Airline Ancillary Revenue) là gì?
Hình minh hoạ. Nguồn: diggintravel.com
Doanh thu phụ trợ trong hàng không
Khái niệm
Doanh thu phụ trợ trong hàng không trong tiếng Anh là Airline Ancillary Revenue.
Doanh thu phụ trợ trong hàng không là doanh thu có được bằng cách bán sản phẩm và dịch vụ trực tiếp hoặc gián tiếp cho hành khách như là một phần của trải nghiệm du lịch, không tính doanh thu từ việc bán vé máy bay.
Các loại doanh thu phụ trợ trong hàng không
1. Tiện nghi theo yêu cầu
Cũng giống như một thực đơn tự chọn, đây là những sản phẩm và dịch vụ mà khách hàng có thể chọn thêm. Chúng không đi kèm trong giá của các gói vé máy bay.
Mỗi hãng hàng không có các sản phẩm phục vụ theo yêu cầu hơi khác biệt, tuỳ thuộc vào mô hình kinh doanh của hãng.
Một số ví dụ: đồ ăn nhẹ, bữa ăn phụ, đồ uống, các sản phẩm miễn thuế như nước hoa hay sô-cô-la, nâng cấp hạng ghế, phí đổi chuyến bay, wifi,....
2. Các sản phẩm được nhận hoa hồng
Đây là những sản phẩm được bán bởi một bên thứ ba, nhưng các hãng hàng không được nhận khoản phí hoa hồng dựa trên số lượng hàng bán.
Tỉ lệ phí hoa hồng được đàm phán giữa hãng hàng không và công ty mà họ hợp tác.
Những hàng hoá này thường được bán trước khi chuyến bay khởi hành và được quảng bá trong giai đoạn đặt vé.
Các phân tích dữ liệu tinh vi cũng có thể hỗ trợ thúc đẩy doanh số thông qua việc sử dụng cookie, v.v.
Ví dụ về các sản phẩm này: Phòng khách sạn, cho thuê xe, bảo hiểm, dịch vụ đổi tiền, vé cho các sự kiện,...
3. Chương trình dành cho khách hàng thường xuyên
Về cơ bản, chương trình dành cho khách hàng thường xuyên củng cố lòng trung thành của hành khác: một khách hàng muốn thu thập điểm để đổi lấy các chuyến bay trong tương lai hoặc các dịch vụ có sẵn khác. Tự thân điều này không tạo ra tiền cho các hãng hàng không. Lợi nhuận của chương trình đến từ việc bán điểm cho khách.
Một hành khách cá nhân có thể tự mua điểm nếu muốn, nhưng chủ yếu người mua điểm là các doanh nghiệp, công ty. Họ dùng số điểm đó để khuyến khích khách hàng dùng sản phẩm, dịch vụ của công ty mình.
Ví dụ: British Airways bán điểm Avios cho American Express. American Express mua những điểm này vì họ muốn tặng chúng cho khách hàng của mình, tin rằng nhiều người sẽ sử dụng thẻ tín dụng của họ nếu có cơ chế tích lũy điểm.
4. Quảng cáo
Là hoạt động bán không gian quảng cáo cho bên thứ ba. Hoạt động này có thể mang lại khoản lợi lớn và được một số hãng hàng không tận dụng nhiều.
Ví dụ: Các hãng hàng không giá rẻ có xu hướng bán nhiều không gian quảng cáo trong khi các hãng hoạt động theo lịch trình có xu hướng thận trọng hơn. Phần lớn là vì các hãng này không muốn gây ảnh hưởng xấu cho thương hiệu của mình hoặc làm hành khách thấy quá tải với quảng cáo và khuyến mãi.
Các hãng hàng không có thể đặt quảng cáo của các bên thứ ba trên cốc, khay thức ăn, thẻ lên máy bay, trang web của hãng hàng không,...
(Theo: lifeasabutterfly.com)