'Dịch vụ GrabNow sẽ kết liễu xe ôm truyền thống nhanh hơn, nhưng không phải là lợi thế với các hãng xe ôm công nghệ khác'
Grab bất ngờ tung GrabNow: Chọn bất kỳ tài xế nào trên đường rồi mới đặt xe |
Số lượng người hành nghề xe ôm tự phát đang giảm mạnh ở những đô thị có dịch vụ xe ôm công nghệ. Ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, người dân phải rất chú ý mới thấy những người lái xe ôm truyền thống ở đầu ngõ, tụ điểm công cộng.
Ngay sau khi Grab công bố thử nghiệm dịch vụ GrabNow - cho phép hành khách gọi một đối tác xe ôm mà họ thấy trên đường rồi mới đặt cuốc - nhiều tài xế và hành khách nhận định đây sẽ đòn chí mạng để kết liễu xe ôm truyền thống.
Hai đối tác Grab đứng bên ngoài bến xe Giáp Bát ở Hà Nội. Dịch vụ GrabNow cho phép họ tiếp cận khách hàng trực tiếp, không qua app. |
Hiện nay, số lượng tài xế Grab ở các tụ điểm công cộng như bến xe, khu chung cư, trường học khá lớn. Ở những nơi mà khả năng bắt khách cao như vậy, một số tài xế Grab sẽ tắt ứng dụng để chở khách ngoài. GrabNow sẽ vừa giúp người có nhu cầu di chuyển bằng xe ôm chọn tài xế một cách dễ dàng hơn, vừa giảm thiểu nguy cơ tài xế tắt app để bắt khách. Theo lẽ thường, hành khách sẽ ưu tiên tài xế Grab vì biết trước giá cước qua app và có thể phản hồi với hãng nếu tài xế có thái độ không tốt. Trong khi đó, tài xế Grab có thể bắt khách ngoài, nhưng sau đó khách sẽ mở app để đặt cuốc nên Grab sẽ không thất thu.
GrabNow cũng sẽ loại những người giả danh tài xế Grab khỏi cuộc chơi, bởi họ không có tài khoản trong phiên bản app dành cho tài xế. Nó cũng giảm thiểu hiện tượng cướp khách của đồng nghiệp trong giới tài xế Grab.
Phan Bá Mạnh, người sáng lập kiêm giám đốc Công ty Công nghệ Vận tải An Vui, nhận định GrabNow và những dịch vụ tương tự trong tương lai của những hãng vận tải công nghệ khác sẽ đẩy ngành xe ôm truyền thống vào tình trạng "tuyệt chủng" nhanh hơn so với dự đoán của mọi người.
"Đặc điểm của xe ôm truyền thống là hành nghề tự phát, không chú trọng dịch vụ. Họ tính giá cước tùy tiện và không để tâm tới thái độ phục vụ hành khách. Đây là mô hình có quá nhiều nhược điểm. Xe ôm công nghệ khắc phục mọi nhược điểm ấy. Vì thế, trước khi GrabNow ra đời, ngày tàn của xe ôm truyền thống đã rất gần với ứng dụng như Uber, Grab. Giờ đây, GrabNow sẽ khiến ngày đó gần hơn", Mạnh lập luận.
Phan Bá Mạnh, người sáng lập công ty Công nghệ Vận tải An Vui. |
Người sáng lập công ty An Vui khẳng định rằng trong cuộc cạnh tranh với xe ôm truyền thống, các hãng vận tải công nghệ không cần phải giảm giá cước, khuyến mãi.
"Các hãng vận tải công nghệ chỉ cần kết nối hiệu quả hành khách với tài xế để tạo ra lợi ích cho cả hai bên. Chẳng hạn, phần lớn tài xế xe ôm truyền thống thường không có khách trong chiều về, còn tài xế Grab hoàn toàn có cơ hội bắt khách khi quay về", anh nói.
Về phương diện tư duy kinh doanh, theo Mạnh, dịch vụ GrabNow hay thuê xe theo giờ mà Grab mới công bố thể hiện chủ trương nhất quán của hãng là không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để mở rộng hệ sinh thái dịch vụ. Anh nói thêm rằng lĩnh vực xe ôm GrabBike mới là yếu tố làm nên thành công của Grab ở Việt Nam, nên hãng sẽ luôn cố gắng đi tiên phong trong dịch vụ xe hai bánh.
"Ở Đông Nam Á, Grab chú trọng phát triển dịch vụ xe ôm hai bánh, rồi dùng thế mạnh của mảng này để quảng bá dịch vụ vận chuyển khách bằng ô tô. Vì không chú trọng tới xe ôm hai bánh như Grab nên Uber đã mất dần thị trường và phải rời khỏi Đông Nam Á", Mạnh lập luận.
Mặc dù vậy, Mạnh nhận định GrabNow không phải là ưu thế của Grab trên thị trường trong dài hạn, mà chỉ tạo ra hiệu ứng truyền thông trong ngắn hạn.
"Là doanh nghiệp tiên phong trên thị trường, Grab sẽ chịu rủi ro từ việc thử nghiệm dịch vụ mới và giáo dục người tiêu dùng. Nếu họ thành công với GrabNow, các hãng xe ôm công nghệ khác có thể tung ra những dịch vụ tương tự ngay sau một đêm. Với những doanh nghiệp dựa trên công nghệ, chuyển đổi hay tung ra dịch vụ mới là việc dễ dàng", Mạnh giải thích.
Xem thêm |