|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Cục bảo vệ tài chính người tiêu dùng (Consumer Financial Protection Bureau – CFPB) là gì? Đặc điểm

14:35 | 25/06/2020
Chia sẻ
Cục bảo vệ tài chính người tiêu dùng (tiếng Anh: Consumer Financial Protection Bureau, viết tắt: CFPB) là một cơ quan quản lí chịu trách nhiệm giám sát các sản phẩm và dịch vụ tài chính được cung cấp cho người tiêu dùng tại Mỹ.
Cơ quan bảo vệ tài chính người tiêu dùng (Consumer Financial Protection Bureau – CFPB) là gì? Đặc điểm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Consumer Financial Protection Bureau.

Cục bảo vệ tài chính người tiêu dùng

Khái niệm

Cục bảo vệ tài chính người tiêu dùng tiếng Anh là Consumer Financial Protection Bureau, viết tắt là CFPB.

Cục bảo vệ tài chính người tiêu dùng (CFPB) là một cơ quan quản lí chịu trách nhiệm giám sát các sản phẩm và dịch vụ tài chính được cung cấp cho người tiêu dùng tại Mỹ. CFPB được chia thành nhiều đơn vị: nghiên cứu, các vấn đề cộng đồng, khiếu nại của người tiêu dùng, văn phòng cho vay công bằng và văn phòng cơ hội tài chính. 

Các đơn vị này phối hợp làm việc cùng nhau để bảo vệ và hướng dẫn người tiêu dùng về các loại sản phẩm và dịch vụ tài chính khác nhau.

Đặc điểm của Cục bảo vệ tài chính người tiêu dùng

Cục bảo vệ tài chính người tiêu dùng (CFPB) được thành lập bởi Đạo luật Dodd-Frank cải cách và bảo vệ người tiêu dùng của Phố Wall năm 2010. CFPB được lãnh đạo bởi một người đứng đầu được Tổng thống bổ nhiệm với nhiệm kì 5 năm. Văn phòng cũng được hỗ trợ bởi Ủy ban tư vấn người tiêu dùng, bao gồm ít nhất 6 thành viên được đề xuất bởi các thống đốc của Cục Dự trữ Liên bang khu vực.

Cụ thể, CFPB giúp thị trường tài chính tiêu dùng hoạt động hiệu quả hơn bằng cách cung cấp các qui tắc, thực thi các qui tắc đó và trao quyền cho người tiêu dùng kiểm soát cuộc sống tài chính cá nhân của họ. CFPB hoạt động để giáo dục và thông báo cho người tiêu dùng chống lại các hành vi tài chính lạm dụng, giám sát ngân hàng và các định chế tài chính khác và nghiên cứu dữ liệu để hiểu rõ hơn về người tiêu dùng và thị trường tài chính mà họ tham gia.

Tầm nhìn và các mục tiêu của CFPB

Mục tiêu tổng thể của CFPB là tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng. Thông qua đó, người tiêu dùng có quyền tiếp cận với giá và rủi ro tài chính minh bạch và nhận thức được các hành vi tài chính lừa đảo và lạm dụng. CFPB chia nhỏ mục tiêu cấp cao này thành 4 mục tiêu chiến lược rất cụ thể.

Mục tiêu đầu tiên là ngăn chặn tác hại tài chính cho người tiêu dùng đồng thời thúc đẩy các hoạt động tài chính tốt. Mục tiêu thứ hai là trao quyền cho người tiêu dùng sống cuộc sống kinh tế tốt hơn. Mục tiêu thứ ba là thông báo cho công chúng và các nhà hoạch định chính sách những hiểu biết phân tích dựa trên dữ liệu. Mục tiêu thứ tư là thúc đẩy hơn nữa tác động chung của CFPB bằng cách tối đa hóa năng suất tài nguyên.

CFPB giúp người tiêu dùng cá nhân như thế nào?

Ngoài các mục tiêu cấp cao này, CFPB cũng cung cấp hướng dẫn tài chính cho các cá nhân. Hướng dẫn tài chính sinh viên được cung cấp cho phụ huynh và sinh viên, những người sẽ phải trả tiền học đại học. Những hướng dẫn này cho phép mọi người so sánh và đối chiếu các hỗ trợ tài chính khác nhau có sẵn trên thị trường.

Đối với những người đã tốt nghiệp đại học từ lâu, CFPB cũng cung cấp các nguồn thông tin về kế hoạch nghỉ hưu. Tổ chức này có thể giúp hỗ trợ các lợi ích an sinh xã hội và cung cấp các phương pháp cụ thể đối với từng cá nhân.

Cuối cùng, CFPB có thể giúp các cá nhân có quyền sở hữu nhà. Trên trang web CFPB, nó cung cấp cho người tiêu dùng trợ giúp về lãi suất, bảng tính thanh toán hàng tháng và một công cụ so sánh cho vay. Đối với những người tiêu dùng cần trợ giúp thế chấp, CFPB cũng cung cấp tư vấn về khó khăn tài chính.

(Theo Investopedia)

Hoàng Vy