|
 Thuật ngữ VietnamBiz

COVID-19 đang làm thay đổi thói quen tiêu dùng, đặc biệt ở thế hệ Millennials và Gen Z

13:38 | 30/07/2020
Chia sẻ
Khảo sát của Kantar cho thấy hơn một nửa số người thuộc thế hệ Millennials và Gen Z cho biết họ tin rằng những thói quen đã hình thành trong thời kì phong tỏa sẽ còn tiếp diễn sau đại dịch.
Dịch covid - Ảnh 1.

COVID-19 thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Ảnh: NurPhoto

Dịch COVID-19 làm thay đổi cách thức và hành vi mua sắm của người tiêu dùng, buộc ngành bán lẻ phải nhanh chóng đổi mới để theo kịp nhu cầu và tạo nên một cuộc đua gây sức ép tới các thương hiệu nhỏ hơn.

Trước đại dịch, các nhà bán lẻ đã phải gặp rất nhiều khó khăn, vật lộn để thích nghi với các giao dịch trực tuyến và phải đối mặt với tỉ suất lợi nhuận thấp hơn khi cạnh tranh với nhiều đối thủ khác.

Sự bùng phát của dịch bệnh làm cho các xu hướng này hiện hữu trở nên rõ ràng hơn. Nhiều người mua sắm tham gia vào mua hàng trực tuyến hơn, các kho dư thừa sẽ khiến cho lợi nhuận của hãng cắt giảm nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tự tin rằng đại dịch không phải là sự kết thúc cho "Phố chính" ("Main street": từ lóng chỉ các doanh nghiệp nhỏ độc lập của Mỹ).

"Tôi rất lạc quan về vấn đề này", bà Aneesha Sherman, nhà phân tích cao cấp của ngành bán lẻ châu Âu tại Bernstein, trả lời phỏng vấn CNBC vào tuần trước.

Các nhà nghiên cứu định nghĩa, Millennials là những người sinh ra từ năm 1980 đến 1995. Trong khi thế hệ Gen Z đề cập đến những người sinh ra từ năm 1996 đến đầu năm 2010.

"Các đối tượng thích mua sắm tại cửa hàng thì vẫn sẽ qua lại các cửa hàng, kể cả họ có là các thế hệ Millennials hay Gen Z được trang bị nhiều ứng dụng mua sắm trên điện thoại hay không", bà Sherman phân tích.

Một số thương hiệu gần đây đã tuyên bố đóng cửa cửa hàng do áp lực tài chính ảnh hưởng từ COVID-19. Đơn cử là Inditex, ông lớn ngành bán lẻ sở hữu thương hiệu Zara, tuyên bố sẽ đóng cửa từ 1.000 - 1.200 cửa hàng trên toàn thế giới.

Ngoài ra, nhiều hãng bán lẻ khác đã phải đặt dưới sự quản lí của chính phủ khi dịch bệnh làm trầm trọng thêm vấn đề thanh khoản của họ. Một số cái tên có thể kể đến như Oasis, Warehouse, Debenhams và Cath Kidston, đây là các thương hiệu đến từ Anh bị ảnh hưởng.

Khi các biện pháp phong tỏa bắt đầu nới lỏng, nhiều người tiêu dùng ở châu Âu đã quay trở lại các cửa hàng. Một số người còn vui vẻ xếp hàng hàng giờ liền để được vào bên trong mua sắm.

Dịch covid - Ảnh 2.

Người mua sắm xếp hàng để được vào cửa hàng Primark tại Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: Carlos Alvarez/CNBC

"Rất nhiều người muốn làm những việc thường ngày như trước kia... Việc vào một cửa hàng và mua sắm là một cách đem lại sự bình thường đó", ông Jat Sahi, Cố vấn bán lẻ tại Fujitsu, trả lời CNBC. 

Mặc dù nhiều chính phủ châu Âu hiện đã dỡ bỏ một số lệnh phong tỏa, nhưng vẫn còn nhiều rủi ro khi đi du lịch ở nước ngoài, tham gia các sự kiện văn hóa. Hầu hết mọi người đều được khuyến khích làm việc tại nhà.

Trong khi đó, mua sắm trực tuyến lại phát triển hơn bao giờ hết. Kantar, một công ty tư vấn, cho biết doanh số thương mại điện tử đã tăng vọt trong đại dịch. Số liệu cho thấy, có tới 40% người tiêu dùng nói rằng họ đã tăng hoặc tăng đáng kể việc mua hàng trực tuyến. Đối với các hộ gia đình có trẻ em và thuộc thế hệ Millennial con số này tăng lên tới 48%".

Trong tương lai, nhiều chuyên gia kì vọng sự thay đổi sang hướng mua sắm trực tuyến này sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa.

Mọi người đang mua gì?

"Nhiều người sẽ quay trở lại thói quen mua sắm cũ, nhưng trong vài năm tới, tôi cho rằng họ sẽ mua quần áo mới ít hơn cho những dịp đặc biệt bởi sẽ có ít buổi hòa nhạc, sự kiện thể thao hay lễ kỉ niệm lớn, đám cưới và ngày lễ cũng sẽ ít hơn trước", Sherman trả lời CNBC.

"Người tiêu dùng sẽ mua nhiều trang phục thể thao, kính mắt, quần áo thường hơn. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ ít chi tiêu đối với các trang phục dạ hội hay trang phục dành cho các dịp đặc biệt. Bởi thực tế, mọi người sẽ làm việc ở nhà nhiều hơn, rõ ràng họ sẽ ít mặc các trang phục công sở và trang trọng", Sherman nói.

Theo phân tích của công ty Kantar, hành vi của người tiêu dùng cũng sẽ thay đổi theo thời gian. Khảo sát của Kantar cho thấy hơn một nửa số người thuộc thế hệ Millennials và Gen Z cho biết họ tin rằng những thói quen đã hình thành trong thời kì phong tỏa sẽ còn tiếp diễn sau đại dịch.

"Việc tăng cường vệ sinh dịch tễ, ăn uống lành mạnh hơn, dành thời gian nhiều hơn cho gia đình và sự phát triển cá nhân rất có thể sẽ tiếp tục duy trì", theo nhận định của Kantar công bố trong bài báo vào đầu tháng này, trong đó có hơn 100.000 người tiêu dùng ở hơn 50 thị trường khác nhau được phỏng vấn.

"Hơn một nửa người dân trên thế giới (51%) tuyên bố đang cố gắng tập thể dục nhiều hơn. Những thay đổi này đều dẫn đến những nhu cầu và mô hình chi tiêu khác nhau", Kantar cho biết.

Tường Vy