|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thuốc giả, thực phẩm kém chất lượng bán qua kênh online, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý

15:58 | 02/11/2022
Chia sẻ
Liên quan đến bán hàng online, kiểm soát các cửa hàng "ảo" trên mạng, đặc biệt là với thực phẩm, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan đánh giá dự thảo luật này chưa đưa ra những giải pháp và chế tài đủ mạnh.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 2/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Phát biểu thảo luận tại Tổ 3,đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nêu ý kiến: Dự án Luật đã quy định rất chặt chẽ và chi tiết các nội dung có liên quan đến các hoạt động Giao dịch từ xa; Hoạt động Cung cấp dịch vụ liên tục; Hoạt động Bán hàng trực tiếp bao gồm các hình thức bán hàng tận cửa, bán hàng đa cấp và hoạt động bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay vẫn còn rất đông người tiêu dùng chưa thành thạo về công nghệ số để thực hiện giao dịch điện tử trong mua bán sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ; cộng thêm những hạn chế, bất cập của các Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các hoạt động này.

Các hành vi gian dối, lừa đảo thông qua các hình thức bán hàng trên đang diễn ra khá phổ biến, với mức độ ngày càng tỉnh vi, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm người tiêu dùng yếu thế và dễ bị tổn thương.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng, các hình thức Bán hàng tận cửa, Bán hàng đa cấp, Bán hàng qua mạng (online) hiện nay đang phát triển với quy mô lớn; chủ yếu là các mặt hàng có trị giá cao, cụ thể như: Hàng thời trang, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm, hàng gia dụng, cây cảnh...

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Phần lớn những người kinh doanh dưới hình thức này không đăng ký kinh doanh, không giấy phép kinh doanh, không khai báo doanh thu, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế...

Ngoài hệ luỵ phát sinh các hành vi gian dối, lừa gạt, lừa đảo mà nạn nhân thường thuộc về nhóm người tiêu dùng yếu thế, dễ bị tổn thương như đã nêu, các hình thức bán hàng trên đã tạo sự bất bình đẳng đối với các hình thức bán hàng truyền thống, dễ dẫn đến nguy cơ là nơi tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng gian, hàng giả trên thị trường và gây thất thu cho ngân sách nhà nước tương đối lớn. 

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn ĐBQH TP HCM. (Ảnh: Quốc hội).

Cũng liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước hàng giả, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn ĐBQH TP HCM cho rằng, việc xử lý vụ việc thuốc giả trị ung thư H-Capita và nhiều loại dược phẩm giả, dược phẩm kém chất lượng mấy năm trước "chưa thoả đáng khi những người dân đã sử dụng thuốc không được đền bù thiệt hại".

Thậm chí, một số bệnh viện đã đấu thầu mua thuốc cũng là nạn nhân, vì những loại thuốc này đã được cấp phép, chứng nhận.

Liên quan đến bán hàng online, kiểm soát các cửa hàng "ảo" trên mạng, đặc biệt là với thực phẩm, đại biểu Lan đánh giá dự thảo luật này chưa đưa ra những giải pháp và chế tài đủ mạnh.

"Luật này cần hoàn thiện quy định về trách nhiệm của Nhà nước, xuyên suốt từ khâu thẩm định, cấp phép - bước đầu tiên để bảo vệ người tiêu dùng, cho tới kiểm tra, giám sát, xử lý", đại biểu Lan nói.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: Quốc hội).

Làm rõ về tính khả thi của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhất là các quy định mới, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng nêu rõ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nội hàm rộng được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật, từ Bộ luật Dân sự đến pháp luật chuyên ngành như Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, Luật Thương mại, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa….

Do đó, để tránh xung đột, chồng chéo, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường theo hướng xác định rõ dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề mới, đặc thù chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh dưới góc độ bảo vệ vị trí, yếu thế của người tiêu dùng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên,Dự thảo Luật lần này cũng đặt ra vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố đặc thù trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế.

Theo đó đã bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng; phân loại và quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; quy định một số nội dung phải kết hợp đồng từ xa; bổ sung quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số…

Cùng với đó, dự thảo Luật đã hoàn thiện, bổ sung các quy định nhằm tạo điều kiện tối đa để khuyến khích phát huy hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Hạ An

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.