Dịch COVID-19 mở ra cánh cửa mới cho các loại hình mua sắm online
Dịch COVID-19 là cơ hội cho các kênh bán hàng online
Theo đánh giá của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), đại dịch COVID-19 toàn cầu vừa mang đến thử thách cho thị trường thương mại điện tử, nhưng đồng thời lại là chất xúc tác làm thay đổi mạnh mẽ hành vi người tiêu dùng.
Chị Ngọc Ánh, 25 tuổi, là nhân viên văn phòng tại TP HCM cho biết smartphone của chị cài 3-4 ứng dụng thương mại điện tử. Chị bắt đầu theo dõi và mua sắm tại nhiều cửa hàng trên Facebook, Instargram chỉ trong vài tháng gần đây.
"Trước đây tôi không có thói quen mua hàng online nhưng từ khi thực hiện giãn cách xã hội, thời gian ở nhà rất nhiều và phải hạn chế đến nơi đông người nên buộc lòng tôi chuyển sang đặt hàng trên các ứng dụng thay vì đi trực tiếp đến cửa hàng, siêu thị.
Tuy nhiên, từ đó, tôi thấy việc đặt hàng này khá tiện lợi, không chỉ mua thức ăn, nước uống, đến các sản phẩm tiêu dùng gia đình, điện máy tôi cũng có thể đặt mua online với nhiều ưu đãi khá hấp dẫn", chị Ngọc Ánh chia sẻ.
Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng năm 2020 đạt 1,895 nghìn tỉ đồng, chiếm 79,6% tổng mức bán lẻ và doanh thu thị trường trong nước và tăng 3,4% so với cùng kì năm trước do nguồn cung hàng hóa dồi dào.
Đáng chú ý, hình thức mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội, nên vẫn đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Đây cũng là lí do có đến 98% những người đã mua online trong thời gian bùng phát dịch COVID-19 sẽ tiếp tục duy trì mua online trong tương lai.
Phân tích cụ thể về xu hướng này, bà Nguyễn Thúy Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng kĩ thuật số (Cục thương mại điện tử và Kinh tế số) khẳng định, diễn biến dịch bệnh khá phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành nghề như xuất nhập khẩu, du lịch…, nhưng thương mại điện tử lại là lĩnh vực ít bị tác động hơn so với ngành khác, thậm chí tăng trưởng.
“Dịch đã ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng, phương thức mua hàng online ngày càng nhiều hơn, ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng của ngành thương mại điện tử. Các doanh nghiệp bán hàng truyền thống bắt đầu nghĩ đến phương thức chuyển dịch dần sang online. Ngay cả doanh nghiệp sản xuất cũng chuyển đổi số để tiệm cận với bán hàng online”, bà Nguyễn Thúy Anh đánh giá.
Thực tế, dù chịu nhiều tác động từ dịch bệnh nhưng một số doanh nghiệp đã quyết định thay đổi chiến lược hoạt động trong thời điểm này để tìm ra những giải pháp hữu hiệu, giải quyết bài toán kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ trong hoàn cảnh hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Tổng giám đốc Công ty TNHH Skymart cho biết: "Với 100% vốn đầu tư Việt Nam, Skymart vừa chính thức triển khai hệ thống bán lẻ trên truyền hình và trang tin điện tử, nhằm đáp ứng xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trong mùa dịch COVID-19.
Với một hệ sinh thái khép kín phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng bao gồm các công ty thành viên như kênh mua sắm Skyshop, sàn thương mại điện tử SkyshopTV.vn, chuỗi siêu thị tiện lợi Skymart24h, chuỗi nhà thuốc SkyPharmacy và dịch vụ vận chuyển Skylogistic, định hướng của Skymart là trở thành một tập đoàn bán lẻ đa ngành nghề".
Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng
Số liệu thống kê cho thấy Việt Nam là thị trường thuận lợi để phát triển mảng bán lẻ, chính vì vậy rất nhiều "ông lớn" nước ngoài đã đầu tư vào như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo... Riêng về mảng homeshopping cũng chỉ được biết đến với nhà đầu tư Hàn Quốc như CJ, Huyndai, GS, Lotte...
Hàng năm trung bình doanh thu của các homeshopping có vốn đầu tư nước ngoài lên đến 900 tỉ đồng lợi nhuận đạt gần 30%.
"Tuy nhiên vẫn còn rất ít những cái tên của Việt Nam có thể khẳng định được vị thế của mình trong vai trò là một nhà bán lẻ do chính người Việt điều hành, đặc biệt là homeshopping và thương mại điện tử. Đây cũng là lí do Skymart chính thức tham gia thị trường nhiều tiềm năng này", Tổng giám đốc Công ty TNHH Skymart nhận định.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), đến nay, gần 1/6 dân số Việt Nam đã gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu (với chi tiêu bình quân đầu người hơn 15 USD mỗi ngày).
Với tốc độ hiện tại, mỗi năm sẽ có thêm 1 triệu người Việt Nam tham gia nhóm này. Tầng lớp trung lưu mới nổi này sẽ tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ không chỉ nhiều hơn mà còn chất lượng tốt hơn, là tiềm năng lớn cho phát triển thị trường bán lẻ.
Thực tế nhìn vào hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp đang “ăn nên, làm ra”, điều dễ nhận thấy là các doanh nghiệp biết cách tiếp cận và khai thác tính đặc thù của từng phân khúc thị trường, thay vì đầu tư ồ ạt hướng đến thị trường chung rộng lớn như trước đây.
Sự thuận tiện cộng với việc hàng hóa phong phú, đa dạng, dễ lựa chọn và nhiều ưu đãi là những tác nhân quan trọng thu hút người tiêu dùng tích cực lựa chọn mua sắm online. Đó cũng là lí do thời gian qua, hầu hết các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Big C, Vinmart hay các cửa hàng tiện lợi như Vinmart+, Bách hóa Xanh… đều đẩy mạnh bán hàng online.
Nhận định bức tranh tương lai gần, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM cho rằng, các nhà bán lẻ thương mại điện tử có thể nắm bắt nhóm khách hàng đang đẩy mạnh mua sắm sau thời gian dài gián đoạn như hoạt động du lịch, mua sắm tiêu dùng.
“Dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2020 tiếp tục duy trì trên 30% và qui mô thương mại điện tử cả nước sẽ vượt con số 15 tỉ USD", ông Dũng cho hay.
Tuy nhiên, với sự thay đổi hành vi tiêu dùng sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp cũng cần chú ý đầu tư chiều sâu, thay đổi như mở rộng, kết hợp cả kênh bán hàng online và các kênh trực tiếp đến người tiêu dùng; chuyển đổi danh mục sản phẩm; tăng cường bán hàng đa kênh và truyền tải thông điệp về sức khỏe và đảm bảo chất lượng...
Ngoài ra, doanh nghiệp thương mại điện tử cũng cần đầu tư vào những giải pháp công nghệ mới để thu hút khách hàng, mở rộng qui mô thị trường.