Công nghệ đeo trên người (Wearable Technology) là gì? Các ứng dụng phục vụ đời sống
Công nghệ đeo trên người
Khái niệm
Công nghệ đeo trên người trong tiếng Anh là Wearable Technology.
Công nghệ đeo trên người là một loại thiết bị điện tử có thể đeo làm phụ kiện, được gắn vào quần áo, được cấy vào cơ thể người hoặc thậm chí được xăm trên da. Các thiết bị này là các thiết bị hands-free (không phải cầm tay) với các ứng dụng thực tế, được cung cấp bởi bộ vi xử lí và được tăng cường khả năng gửi/nhận dữ liệu thông qua Internet.
Thuật ngữ này được ghép bởi hai từ "wearable" và "technology". Wearable nghĩa là có thể "đeo được", "mặc được", "đội được" hoặc "mang được". Những thuật ngữ như "wearable divices" (thiết bị đeo trên người) hay "wearable technology" đang ngày càng được biết đến nhiều hơn.
Việc áp dụng nhanh chóng các thiết bị như vậy đã đưa công nghệ đeo trên người lên hàng đầu của Internet vạn vật (IoT).
Sự phát triển của công nghệ đeo trên người
Công nghệ đeo trên người có thể nói là đã tồn tại kể từ khi kính mắt được phát triển lần đầu tiên vào thế kỷ 13. Đồng hồ đủ nhỏ để đeo đã có từ khoảng 1500 năm trước. Nhưng công nghệ đeo trên người hiện đại được xác định là kết hợp thêm bộ vi xử lí và kết nối internet.
Sự phát triển của các mạng di động cho phép phát triển công nghệ đeo trên người. Vòng tay theo dõi sức khỏe (Fitness activity trackers) là làn sóng lớn đầu tiên của công nghệ đeo trên người nhằm bắt kịp xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng.
Sau đó, đồng hồ đeo tay bình thường đã trở thành một màn hình kèm theo các ứng dụng di động thiết thực hơn. Tai nghe Bluetooth, đồng hồ thông minh và kính được hỗ trợ web đều cho phép mọi người nhận dữ liệu từ mạng Wi-Fi. Ngành công nghiệp game tạo ra nhiều thiết bị đeo với bộ tai nghe thực tế ảo và thực tế tăng cường.
Trọng tâm trong sự phát triển của công nghệ đeo trên người đang chuyển từ các phụ kiện tiêu dùng sang các ứng dụng chuyên biệt và thiết thực hơn.
Cấy ghép vi mạch (Microchip implants) hiện đang được sử dụng để thay thế khóa và mật khẩu. Các chip sử dụng kết nối trường gần (near-field communication - NFC) hoặc nhận dạng qua tần số vô tuyến (radio-frequency identification - RFID) được cấy vào một đầu ngón tay, và được sử dụng tương tự như các chip để theo dõi vật nuôi đi lạc.
Quân đội Mỹ được cho là đang cân nhắc sử dụng chip RFID để theo dõi quân đội của họ trên toàn thế giới.
Các ứng dụng thay đổi cuộc sống thực trong công nghệ đeo trên người còn có thể được tìm thấy trong các thiết bị y tế.
Một số ví dụ thiết thực về công nghệ đeo trên người
Cùng sự phát triển và giới thiệu nhanh chóng các sản phẩm công nghệ đeo trên người (Wearable Technology), một số thiết bị phục vụ cho mục đích y tế và chăm sóc sức khỏe đã ra đời, ví dụ như:
- Ở Louisville, Kentucky, các thiết bị đeo trên người do AIR Louisville sản xuất đang được sử dụng để theo dõi chất lượng không khí tại địa phương, đo lường các chất ô nhiễm và xác định các điểm nóng cho cư dân có vấn đề về hô hấp.
- Cyrcadia Health đã phát triển iTBra , một bản vá thông minh có thể phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư vú và truyền thông tin đến phòng thí nghiệm để phân tích.
- Các màn hình cảnh báo y tế có thể đeo trên người đang mở rộng mức độ linh động và độc lập hơn cho người già và người khuyết tật.
- Hình xăm thông minh có chứa cảm biến điện tử linh hoạt đang được phát triển để theo dõi hoạt động của tim và não, chứng rối loạn giấc ngủ và chức năng của cơ bắp. Mực xăm đang được nghiên cứu để biến điều này thành hiện thực.
- Một chiếc đồng hồ thông minh dành cho những người mắc bệnh Parkinson theo dõi các triệu chứng và truyền dữ liệu để có thể phát triển các kế hoạch điều trị một cách cá nhân hóa hơn.
- Các thiết bị giám sát trẻ em được trang bị GPS có sẵn từ nhiều nhà sản xuất với mức giá chỉ $25.
(Theo Investopedia)