|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cộng đồng mạng tranh cãi việc hai 'cá mập' đầu tư cho 'Bống chè bưởi'

00:58 | 02/09/2018
Chia sẻ
Một số người nhận định thương vụ đầu tư 300 triệu cho "Bống chè bưởi" chỉ nhằm mục đích PR thương hiệu, nhưng nhiều người khẳng định hai nhà đầu tư sẽ thu về rất nhiều lợi ích ngoài giá trị nhân văn.
cong dong mang tranh cai viec hai ca map dau tu cho bong che buoi Cô bé 11 tuổi bán chè bưởi nhận 300 triệu đồng trong Shark Tank Việt Nam

Trong chương trình Shark Tank Việt Nam vào tối 29/8, Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc, một nữ sinh 11 tuổi từ Tuyên Quang, gọi vốn thành công từ hai doanh nhân Phạm Thanh Hưng và Nguyễn Ngọc Thủy. Hai ông đầu tư 300 triệu đồng cho thương hiệu "Bống chè bưởi" của Bảo Ngọc. Bên cạnh đó, ông Thủy còn đầu tư học bổng 500 triệu trong vòng 5 năm cho Ngọc với các khoá học về tư duy, tiếng Anh, lãnh đạo. Ngọc sẽ trở thành đại sứ thương hiệu cho Apax Leader.

"Đầu tư chỉ để PR thương hiệu"

Ngay sau khi chương trình lên sóng, thương vụ đầu tư của hai ông Hưng, Thủy trở thành đề tài thảo luận sôi nổi của cộng đồng mạng.

"Bảo Ngọc thực sự là một hiện tượng hiếm, dễ gây thiện cảm, dễ lan truyền nên hai doanh nhân đầu tư để PR thương hiệu thôi, chứ họ không quan tâm tới kết quả kinh doanh", Thiều Ánh Hồng, một sinh viên ngoại ngữ ở Hà Nội, bày tỏ.

"Mô hình kinh doanh của bé Ngọc giống như kinh doanh hộ gia đình thôi, có gì hấp dẫn chứ", Phạm Thùy Dung, một thành viên của diễn đàn Tìm bạn khởi nghiệp, đặt câu hỏi.

Nguyễn Phương Nam, một thành viên của nhóm Khởi nghiệp Việt Nam, nhận xét rằng quy mô của "Bống chè bưởi" quá nhỏ và bản thân người sáng lập cũng quá nhỏ.

cong dong mang tranh cai viec hai ca map dau tu cho bong che buoi

"Chương trình Shark Tank Việt Nam mùa hai đã có yếu tố kịch và game show. Đương nhiên, một bé gái mới 11 tuổi mà kinh doanh thành công rất đáng được ngưỡng mộ, nhưng xét về khía cạnh đầu tư thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Hiện tại mô hình Bống chè bưởi không đặc biệt, cũng chẳng có nhân sự, chỉ bán tại nhà vào chủ nhật. Muốn mở rộng ra địa phương khác như Hà Nội, cháu bé phải thuê mặt bằng và đội ngũ nhân sự. Làm nhỏ thì dễ với Ngọc, nhưng muốn làm lớn thì rất khó", Hà Thu, một thành viên của nhóm Khởi nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với Dung, Thu và Nam, nhiều người nhận định hình thức kinh doanh của "Bống chè bưởi" giống hàng triệu cơ sở kinh doanh cá thể khác, không phải là "khởi nghiệp sáng tạo" vì không có yếu tố mang tính sáng tạo, đột phá.

"Mọi người đều có thể học công thức nấu chè trên mạng, hoặc từ pha chế. Chúng ta không thấy bất kỳ yếu tố đặc biệt nào trong mô hình kinh doanh của Ngọc", Diệu Chi, một thành viên của nhóm Khởi nghiệp Do Thái, phát biểu.

Vài người nói hai "cá mập" đầu tư để khuyến khích bé Ngọc và đây không phải là một thương vụ đích thực.

"Cũng có thể vài tháng nữa, trong quá trình thẩm định, hai nhà đầu tư sẽ rút lại quyết định vì nhận thấy những bất cập quá lớn", Vũ Như Yến, một sinh viên kinh tế ở Hà Nội, dự đoán.

Một số người lo ngại việc tập trung kinh doanh quá sớm có thể khiến Ngọc coi nhẹ học tập - nhiệm vụ quan trọng nhất đối với lứa tuổi của em.

Cơ hội biến "Bống chè bưởi" trở thành thương hiệu lớn

Song nhiều người nhận định mô hình đơn giản vẫn có thể trở thành thương hiệu lớn nếu phát triển đúng hướng và có chiến lược bài bản. Ông Trần Hiếu, người sáng lập nhóm Khởi nghiệp Việt Nam, nói rằng quy mô hiện nay của Bống chè bưởi chỉ là yếu tố ban đầu.

"Sau này Bống chè Bưởi hoàn toàn có thể đặt mục tiêu trở thành chuỗi quán chè bưởi nổi tiếng nhất Việt Nam. Tầm nhìn sẽ quyết định tất cả. Các nhà đầu tư sẽ lo tiền. 300 triệu đồng chỉ là bước khởi đầu", ông Hiếu bình luận.

Lê Đắc Nghiệp, một sinh viên ngành quản trị kinh doanh ở Hà Nội, khẳng định những cá nhân xuất chúng có thể làm nên nghiệp lớn từ những thứ tầm thường.

"Với đam mê kinh doanh sớm của Bảo Ngọc cùng với tiền, hệ sinh thái và kinh nghiệm của các shark, mục tiêu trở thành thương hiệu chè Bưởi hay thương hiệu gì đó lớn nhất Việt Nam không phải là ước mộng viển vông", Nghiệp nói.

cong dong mang tranh cai viec hai ca map dau tu cho bong che buoi
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch tập đoàn CEN, trong chương trình Shark Tank Việt Nam vào tối 29/8.

Thu Hường, một thành viên của công ty Doanh nghiệp Tinh Gọn, bình luận rằng khác biệt của mô hình "Bống chè bưởi" không phải là công thức nấu chè.

"Khác biệt chính là thương hiệu Bống chè bưởi. Đó là thứ mọi người không thể sao chép", Hường nhấn mạnh.

'Hai vị doanh nhân đầu tư vào con người'

Rất nhiều ý kiến cho rằng ông Phạm Thanh Hưng và ông Nguyễn Ngọc Thủy chi 300 triệu đồng để đầu tư vào nữ sinh Bảo Ngọc.

"Có vẻ như Shark Thủy muốn đưa hình tượng một em bé khởi nghiệp làm đại sứ thương hiệu. Đây sẽ là một cách rất hiệu quả", anh Nguyễn Phương Nam nói.

Duy Tân, một thành viên của nhóm Khởi nghiệp Việt Nam, khẳng định tinh thần khởi nghiệp của Bảo Ngọc là giá trị lớn nhất đối với ông Hưng và ông Thủy.

"Mấy trăm triệu đồng là con số quá nhỏ để làm thương hiệu cho doanh nghiệp. Ngoài việc PR cho thương hiệu, thông qua thương vụ, hai doanh nhân muốn khuyến khích tinh thần tự lập, dám nghĩ dám làm của học sinh, thay vì cứ học theo kiểu nhồi nhét", Tân nói.

Nguyễn Bảo Anh, một thành viên của nhóm Khởi nghiệp Việt Nam, bác bỏ quan điểm rằng mô hình dễ sao chép là một điểm yếu.

"Mọi mô hình kinh doanh trên thế giới đều dễ sao chép, nhưng mỗi cá nhân hay doanh nghiệp sẽ có phương thức vận hành khác nhau, dẫn tới thành công hoặc thất bại không giống nhau. Hai doanh nhân Thủy và Hưng đầu tư cho con người. Chi vài trăm triệu cho một cháu bé có tố chất như Ngọc là quá rẻ", Bảo Anh nói.

James Phạm, một thành viên khác của nhóm Khởi nghiệp Việt Nam, lập luận rằng dù mọi mô hình đều dễ sao chép, nhưng số người dám làm chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vì thế, "mô hình dễ sao chép" không phải là điểm yếu. Ngoài ra, đầu tư cho Ngọc là cách hiệu quả để làm thương hiệu.

"Ngay sau khi chương trình lên sóng, sẽ thêm nhiều người biết tới Egroup và Apax English. Về thị trường, ông Thủy đã có tập khách hàng riêng. Chỉ cần bán chè bưởi trong các trung tâm Apax English, ông có thể thu hồi 300 triệu trong một tháng", anh bày tỏ.

Mai Xuân Thanh, một thành viên của nhóm Khởi nghiệp Việt Nam, nhận xét rằng hai doanh nhân rót tiền cho "Bống chè bưởi" không phải vì lợi nhuận, mà vì giá trị nhân văn.

"Bé mới 11 tuổi nhưng rất chững chạc, tự tin. Ông Thủy và ông Hưng muốn ươm mầm cho một thế hệ có bản lĩnh, tự lập và khát vọng thành công. Đây cũng là cách để hai ông gửi thông điệp tới các bậc phụ huynh, thôi thúc họ thay đổi quan điểm trong giáo dục và định hướng cho con", anh Thanh phát biểu.

Hà Trung Bách, một cử nhân ngành thương mại ở Hà Nội, lưu ý mọi người rằng ông Hưng và ông Thủy đều có con gái ở độ tuổi của Ngọc.

"Bên cạnh lợi nhuận về tài chính trong thương vụ, hai ông có thể giúp con gái say mê kinh doanh bằng cách để các cháu kết bạn với Ngọc. Công việc, những lời chia sẻ của Ngọc sẽ là động lực hiệu quả nhất để các bé dấn thân vào kinh doanh một cách tự nhiên", Bách giải thích.

Xem thêm

Kim Cương

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.