Công chức hải quan (Customs Officer) là gì? Nhiệm vụ và quyền hạn của công chức hải quan
HÌnh minh họa (Nguồn: photo-2-baomoi.zadn.vn)
Công chức hải quan (Customs Officer)
Khái niệm
Công chức hải quan trong tiếng Anh là Customs Officer.
Công chức hải quan (Customs Officer) là những người được tuyển dụng, đào tạo, sử dụng trong hệ thống cơ quan hải quan theo pháp luật về cán bộ, công chức.
Nhiệm vụ và quyền hạn của công chức hải quan
Theo Điều 19, Luật Hải quan năm 2014, khi làm thủ tục hải quan, công chức hải quan có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
- Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, qui trình nghiệp vụ hải quan và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
- Hướng dẫn người khai hải quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi có yêu cầu.
- Thực hiện kiểm tra, giám sát hải quan; giám sát việc mở, đóng, chuyển tải, xếp dỡ hàng hóa tại địa điểm làm thủ tục hải quan và địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan thì yêu cầu chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải, người chỉ huy, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được ủy quyền thực hiện các yêu cầu để kiểm tra, khám xét hàng hóa, phương tiện vận tải theo qui định của Luật này và pháp luật về xử lí vi phạm hành chính.
- Lấy mẫu hàng hóa với sự có mặt của người khai hải quan để cơ quan hải quan phân tích hoặc trưng cầu giám định phục vụ kiểm tra hải quan.
- Yêu cầu người khai hải quan cung cấp thông tin, chứng từ liên quan đến hàng hóa để xác định đúng mã số, xuất xứ, trị giá hải quan của hàng hóa.
- Yêu cầu người chỉ huy, người điều khiển phương tiện vận tải đi đúng tuyến đường, đúng thời gian, dừng đúng nơi qui định.
- Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo qui định của pháp luật.
Mối quan hệ giữa các chủ thể thực hiện thủ tục hải quan
Chủ thể thực hiện thủ tục hải quan là các bên tham gia thực hiện thủ tục hải quan, bảo gồm: Người khai hải quan và công chức hải quan.
Mối quan hệ giữa các chủ thể thực hiện thủ tục hải quan thể hiện trên các góc độ sau:
- Mối quan hệ pháp lí: Khi thực hiện thủ tục hải quan, cả người khai hải quan và công chức hải quan đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật, cụ thể đó là pháp luật hải quan. Nếu các bên không thực hiện đúng và đầy đủ các qui định đó đều phải chịu trách nhiệm pháp lí.
Cụ thể, đối với người khai hải quan bị áp dụng trách nhiệm hành chính như xử phạt vi phạm hành chính; nếu hành vi vi phạm đó đã tới mức cấu thành tội phạm thì truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với công chức hải quan, với tư cách thi hành công vụ nhà nước, do vậy căn cứ vào mức độ lỗi nặng hay nhẹ có thể bị áp dụng trách nhiệm kỉ luật (các hình thức trách nhiệm kỉ luật được qui định cụ thể tại Luật Cán bộ, Công chức) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trong trường hợp gây ra thiệt hại cho chủ hàng thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
- Mối quan hệ quản lí: Quan hệ giữa công chức hải quan và người khai hải quan khi thực hiện thủ tục hải quan thực chất là quan hệ giữa chủ thể quản lí và đối tượng quản lí. Công chức hải quan thực hiện tiếp nhận đăng kí hồ sơ hải quan, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hoá, ra quyết định thông quan hàng hoá với tư cách là công chức nhà nước đang thì hành công vụ của nhà nước.
Còn người khai hải quan phải thực hiện những yêu cầu nhất định như khai và nộp tờ khai hải quan, xuất trình chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, đưa hàng hoá đến địa điểm được qui định cho việc kiểm tra thực tế... theo quyết định của công chức hải quan có thẩm quyền đẻ thực hiện sự quản lí của nhà nước về hải quan.
- Mối quan hệ về nghiệp vụ: Các công việc mà người khai hải quan và công chức hải quan thực hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan thực chất là việc thực hiện các nghiệp vụ cụ thể của một dây chuyền nghiệp vụ khép kín. Trong đấy chuyền khép kín đó cả người khai hải quan và công chức hải quan phải thực hiện các nghiệp vụ cụ thể, như phân loại, áp mã hàng hoá, các định trị giá hải quan, tính toán số thuế phải nộp theo qui định của pháp luật...
- Mối quan hệ cộng đồng: Là quan hệ giữa cộng đồng doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu với cơ quan công quyền của nhà nước, thông qua quan hệ hợp tác, quan hệ đối tác.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Hải quan cơ bản, NXB Tài chính)