‘Con bài’ hữu hiệu của shark Phú trong Shark Tank Việt Nam mùa 2
Những kỷ lục trong mùa 2 của Shark Tank Việt Nam | |
Shark Tank Việt Nam mùa 2 gọi được hơn 206 tỷ đồng, gấp đôi mùa 1 | |
Những màn gọi vốn đậm chất ‘ngông' trong Shark Tank Việt Nam |
“Shark Phú hôm nay không còn là shark Phú của ngày xưa nữa” là câu nói dí dỏm của doanh nhân Phạm Thanh Hưng trong tập 6 Shark Tank Việt Nam. Ông mô tả “chiêu săn mồi” thay đổi giữa hai mùa chương trình của chủ tịch Sunhouse – doanh nhân Nguyễn Xuân Phú.
Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Sunhouse - đầu tư 37,285 tỷ đồng trong Shark Tank Việt Nam mùa hai. |
"Vua chảo” là nhà đầu tư cam kết nhiều nhất với 28,8 tỷ đồng cho 8 startup trong Shark Tank Việt Nam mùa 1. Sang mùa 2, ông có phần khắt khe, thận trọng hơn. Sau 14 tập, ông rót 37 tỷ 285 triệu đồng cho 5 dự án dưới hình thức trái phiếu chuyển đổi có thời hạn.
Chủ tịch Sunhouse nổ “phát súng” đầu tiên khi cho hai nhà sáng lập thương hiệu nước mắm Lê Gia vay 6 tỷ đồng với lãi suất 15%, chuyển đổi thành 24% cổ phần sau 3 năm nếu đạt KPI (chỉ số đánh giá doanh nghiệp). Trong tập 6, ông đầu tư 4 tỷ 650 triệu đồng vào cầu dắt xe thông minh Dô Ta dưới dạng trái phiếu lãi suất 20%, chuyển đổi thành 20% cổ phần sau một năm.
Đến tập 12, ông Phú mới tiếp tục đầu tư 10 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi với lợi nhuận tối thiểu 18% cho Trung tâm Triển lãm Yến Sào VBEC. Khoản vay được đảm bảo bằng toàn bộ tài sản của Yến Quân (nhà Yến, thương hiệu Yến Quân), giá trị tối thiểu 120% khoản vay.
Trong tập cuối của Shark Tank, ông gây bất ngờ khi đồng ý rót vốn cho hai doanh nghiệp. Ông cho nhà sáng lập Xuân Hùng của Sedan Việt vay 8 tỷ đồng, lãi suất 15%, chuyển đổi thành 40% cổ phần sau 3 năm nếu đạt KPI. Đồng thời, ông hỗ trợ 500.000 USD trái phiếu, lãi suất 10% và chuyển đổi thành 36% cổ phần sau một năm nếu tiềm năng.
Như vậy, 100% dự án được “vua chảo” cam kết đầu tư dưới dạng cho vay chuyển đổi kèm lãi suất 15 – 20%/năm. Đây là mức lãi suất khá cao so với lãi suất ngân hàng. Ngay cả Giám đốc CyberAgent – Nguyễn Mạnh Dũng chỉ đưa ra mức lãi suất 10% khi áp dụng công cụ trái phiếu chuyển đổi trong thương vụ nước mắm Lê Gia.
Nguyễn Xuân Phú cho rằng, thí sinh gọi vốn cần tuyệt đối trung thực về số liệu. |
Lý giải quan điểm bảo toàn vốn trong buổi trò chuyện của các “shark” sau khi chương trình đóng máy, Xuân Phú cho biết, số liệu sai lệch khiến nhà đầu tư phải thay đổi toàn bộ tính toán. Nên thí sinh tham gia gọi vốn phải tuyệt đối trung thực khi đưa ra số liệu. Họ cần chú ý rằng, con số đúng sẽ rút ngắn thời gian Due Diligence (thẩm định doanh nghiệp) để chiến lược kinh doanh nhanh chóng đưa vào hiện thực.
“Chúng tôi là nhà đầu tư, luôn săn tìm cơ hội sinh tiền. Là nhà kinh doanh, tôi phải bảo toàn vốn vì nguồn vốn đó là mồ hôi, công sức của rất nhiều người”, ông Phú khẳng định trên sóng Shark Tank.
Phó Chủ tịch CEN, ông Phạm Thanh Hưng - đánh giá ông Phú đầu tư theo kiểu “Bank Tank”, rất sáng tạo trong cách thức rót vốn. Trước thắc mắc nguyên nhân xuống tiền cho mô hình kinh doanh mập mờ VBEC của ông Hưng, doanh nhân Phú nói rằng, cho vay trái phiếu chuyển đổi, lãi suất 18% kèm theo tài sản đảm bảo thì rất an toàn. Nếu dự án thành công, ông mới thực sự đầu tư.
“Cá mập công nghệ” Mạnh Dũng nhận định, trái phiếu chuyển đổi là công cụ phổ biến trong hoạt động đầu tư của nhiều quỹ. Ông khuyên thí sinh tham gia Shark Tank mùa ba nên bắt đầu từ con số nhỏ do luật chương trình yêu cầu không được giảm số tiền startup kêu gọi. Nếu doanh nhân nào thực sự quan tâm sẽ tăng tiền bằng cách thương thuyết ngay thời điểm đó. Cách này giúp thí sinh dễ được cam kết rót vốn hơn.
Chia sẻ trên nhóm Cộng đồng Shark Tank Việt Nam, luật sư Lâm Tuấn Minh – người đồng sáng lập Lp Investment & Consulting bày tỏ quan điểm, Convertible Note (khoản vay chuyển đổi) là con bài hữu hiệu được “shark” Phú áp dụng xuyên suốt cho mọi dự án. Đây là hình thức rót vốn độc đáo, linh động, vừa giúp nhà sáng lập tiếp cận phạm vi vốn rộng hơn, vừa giúp nhà đầu tư tránh rủi ro, đảm bảo an toàn.
Luật sư chỉ ra vấn đề dẫn đến hình thức đầu tư trái phiếu chuyển đổi là định giá ban đầu của startup không hợp lý và không giải trình tốt trước hội đồng đầu tư. Mặt khác, mô hình kinh doanh mới tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu khả năng cạnh tranh. Hoặc nhà đầu tư về lâu dài muốn nắm số lượng cổ phần lớn để dễ dàng quản lý, hay có thể sáp nhập vào ngành hàng hiện tại.
Xem thêm |