|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Cơ chế rà soát chính sách thương mại (Trade Policy Review Mechanism - TPRM) là gì?

15:01 | 26/11/2019
Chia sẻ
Cơ chế rà soát chính sách thương mại (tiếng Anh: Trade Policy Review Mechanism, viết tắt: TPRM) là những qui định của WTO trong hoạt động rà soát chính sách thương mại thuộc Hiệp định WTO.
aseankorea

Cơ chế rà soát chính sách thương mại (Trade Policy Review Mechanism - TPRM) (Nguồn: slideserve)

Cơ chế rà soát chính sách thương mại (Trade Policy Review Mechanism - TPRM)

Cơ chế rà soát chính sách thương mại - danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Trade Policy Review Mechanism, viết tắt là TPRM.

Cơ chế rà soát chính sách thương mại (TPRM) là kết quả của vòng đàm phán Uruguay, trong cuộc họp đánh giá kết quả giữa kì của vòng đàm phán Uruguay tại Montreal (Canada) vào tháng 12/1988. 

TPRM được xây dựng vào năm 1989 và được qui định trong Hiệp định WTO. Ban đầu TPRM tập trung chủ yếu vào việc rà soát chính sách trao đổi hàng hóa. Sau khi WTO được thành lập năm 1995, phạm vi rà soát đã được mở rộng ra cả dịch vụ và sở hữu trí tuệ.

Cơ chế rà soát của TPRM diễn ra ở mức độ phù hợp, dựa trên nền tảng của nhu cầu, chính sách, mục tiêu kinh tế và tầm nhìn của các thành viên liên quan, cũng như các yếu tố khách quan bên ngoài. 

Tuy nhiên, chức năng của cơ chế rà soát là kiểm tra tác động của các chính sách và thông lệ thương mại của thành viên trên hệ thống thương mại đa phương. (Theo World Trade Organization - WTO)

Mục tiêu của TPRM

1. Mục đích của Cơ chế Rà soát Chính sách Thương mại nhằm làm cho các thành viên tuân thủ triệt để các qui tắc, nguyên tắc và cam kết được ghi nhận trong các hiệp định thương mại đa phương và các hiệp định thương mại liên quan có thể được áp dụng, nhờ đó hệ thống thương mại đa phương được vận hành suôn sẻ, đạt được sự minh bạch và hiểu biết nhiều hơn về các chính sách, thực tiễn thương mại của các thành viên

Theo đó, cơ chế rà soát cho phép đánh giá và thẩm định tập thể thường xuyên toàn bộ phạm vi chính sách và thực tiễn thương mại của từng thành viên và tác động của chúng đối với sự vận hành của hệ thống thương mại đa phương

Tuy nhiên, những qui định này không nhằm tạo ra cơ sở cho việc thi hành các nghĩa vụ cụ thể theo các Hiệp định hoặc theo các thủ tục giải quyết tranh chấp, hoặc để áp đặt các cam kết chính sách mới đối với các thành viên

2. Việc đánh giá theo cơ chế rà soát sẽ được tiến hành, trong phạm vi thích hợp, trong bối cảnh chung của các nhu cầu, chính sách và mục tiêu kinh tế và phát triển của thành viên liên quan, cũng như môi trường bên ngoài của nước thành viên này. 

Tuy nhiên, chức năng của cơ chế rà soát chính sách thương mại là xem xét tác động của các chính sách và thực tiễn thương mại của một thành viên đối với hệ thống thương mại đa phương. (Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính)

Hoàng Huy