|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chứng nhận sản phẩm (Product certification) là gì?

09:32 | 03/12/2019
Chia sẻ
Chứng nhận sản phẩm (tiếng Anh: Product certification) là quá trình liên quan đến việc cấp chứng chỉ hoặc nhãn hiệu để chứng minh rằng một sản phẩm đáp ứng một tập hợp các tiêu chuẩn.
ATEC-ISO_9001

Hình minh họa (Nguồn: autonomospymes)

Chứng nhận sản phẩm

Khái niệm

Chứng nhận sản phẩm trong tiếng Anh được gọi là: Product certification.

Chứng nhận sản phẩm được định nghĩa là ''một qui trình mà bên thứ ba cấp giấy chứng nhận bảo đảm rằng sản phẩm, qui trình hoặc dịch vụ tuân thủ các tiêu chuẩn qui định''. 

Chứng nhận sản phẩm liên quan đến việc cấp chứng chỉ hoặc nhãn hiệu (hoặc cả hai) để chứng minh rằng một sản phẩm cụ thể đáp ứng một tập hợp các tiêu chuẩn được xác định đối với sản phẩm đó, thường được qui định trong một tiêu chuẩn. 

Nhãn hiệu chứng nhận thường được tìm thấy trên sản phẩm hoặc bao bì sản phẩm và cũng có thể xuất hiện trên một chứng chỉ được cấp bởi cơ quan chứng nhận sản phẩm. Nhãn hiệu đó chỉ dẫn đến con số hoặc tên gọi của tiêu chuẩn sản phẩm có liên quan mà trên cơ sở đó sản phẩm này đã được chứng nhận. 

Nhãn hiệu chứng nhận có thể được định nghĩa là "nhãn hiệu được sử dụng để phân biệt hàng hóa và dịch vụ tuân thủ một loạt tiêu chuẩn và đã được chứng nhận bởi tổ chức chứng nhận có thẩm quyền". 

Biểu tượng Woolmark - nhãn hiệu chứng nhận của Công ty Woolmark là một ví dụ điển hình. 

Woolmark là biểu tượng đảm bảo chất lượng thể hiện rằng các sản phẩm sử dụng biểu tượng này được làm 100% từ len mới và phù hợp với các tiêu chuẩn sản xuất nghiêm ngặt do Công ty Woolmark qui định. 

Nhãn hiệu này được đăng kí tại hơn 140 nước và được li-xăng cho các nhà sản xuất có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng ở 67 nước.

Minh chứng về chất lượng 

Một sản phẩm mang nhãn hiệu bảo đảm với bên thứ ba rằng: 

- Sản phẩm được sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành; 

- Qui trình sản xuất được giám sát và kiểm soát; 

- Sản phẩm được kiểm tra và thanh tra; 

- Nếu người tiêu dùng thấy sản phẩm mang nhãn hiệu không đáp ứng tiêu chuẩn đã được công bố, họ có thể đến tổ chức chứng nhận để kiện. 

Các tổ chức chứng nhận sản phẩm sử dụng các kĩ thuật đánh giá khác nhau (hầu hết các kĩ thuật đó phụ thuộc vào việc kiểm tra sản phẩm) khi quyết định có trao chứng chỉ hay không. Một số phương pháp toàn diện hơn là: 

- ''Kiểm tra chủng loại'' của sản phẩm; 

- Đánh giá việc kiểm tra chất lượng của nhà máy và độ tin cậy của nó;

- Giám sát tại nhà máy nhằm kiểm tra việc kiểm soát chất lượng của nhà máy; và 

- Kiểm tra mẫu sản phẩm trên thị trường.

Lí tưởng là, nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm phải chứng minh cho người tiêu dùng biết rằng sản phẩm đó đã đáp ứng và tiếp tục đáp ứng các tiêu chuẩn đã được thừa nhận chung cho sản phẩm hoặc dịch vụ đó. 

Các bên có liên quan khác, như cơ quan quản lí, có thể yêu cầu nhãn hiệu thể hiện được rằng tổ chức thực hiện đánh giá mức độ phù hợp của sản phẩm có thẩm quyền làm như vậy. 

Các lí do của việc chứng nhận 

Nhu cầu đối với việc chứng nhận sản phẩm phát sinh vì một hay các lí do sau: 

- Người bán muốn xây dựng uy tín của mình, mở rộng thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh, quảng bá sản phẩm mới, v.v. 

- Người mua (cá nhân, nhà đầu cơ, nhà sản xuất, cán bộ mua bán công, nhà nhập khẩu, v.v.) muốn sự đảm bảo về chất lượng hàng hóa họ mua. 

- Pháp luật để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng nên yêu cầu các sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận. 

Ví dụ, một số sản phẩm xuất hiện trong danh mục của các Qui chế về sản phẩm của Ủy ban châu Âu (EU) được yêu cầu gắn nhãn hiệu ''CE'', và một số sản phẩm điện và điện tử không được phép bán ở thị trường Ca-na-đa nếu không được gắn nhãn hiệu của Hiệp hội tiêu chuẩn của Ca-na-đa (CSA).

(Tài liệu tham khảo: Những điều cần biết về sở hữu trí tuệ, Trung tâm Thương mại quốc tế và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới)


Tuyết Nhi