Thỏa ước La Haye về đăng kí quốc tế kiểu dáng công nghiệp (The Hague Agreement) là gì?
Hình minh họa (Nguồn: valpak.co.uk)
Thỏa ước La Haye
Khái niệm
Thỏa ước La Haye (có tài liệu ghi là Lahay, La-hay) về đăng kí quốc tế kiểu dáng công nghiệp trong tiếng Anh là The Hague Agreement, gọi tắt là The Hayes. (tiếng Pháp: La Haye, đọc là: la-hay)
Thỏa ước La Haye là thỏa thuận chi phối việc đăng kí quốc tế về kiểu dáng công nghiệp. Được thông qua lần đầu tiên vào năm 1925, thỏa ước thiết lập một hệ thống quốc tế hiệu quả - Hệ thống La Haye - cho phép các thiết kế công nghiệp được bảo vệ ở nhiều quốc gia hoặc khu vực với các thủ tục tối thiểu. (Tài liệu tham khảo: The World Intellectual Property Organization)
Theo qui định chung, việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp bị giới hạn trong lãnh thổ của quốc gia mà sự bảo hộ được yêu cầu và cấp văn bằng bảo hộ. Nếu muốn bảo hộ ở nhiều quốc gia, bạn phải nộp các đơn đăng kí riêng biệt và phải tuân theo các thủ tục khác nhau tại mỗi quốc gia.
Thỏa ước La Haye liên quan đến việc đăng kí quốc tế kiểu dáng công nghiệp là một điều ước quốc tế do WIPO quản lí, cung cấp một lựa chọn đơn giản liên quan đến việc đăng kí kiểu dáng công nghiệp ở nhiều nước khác nhau.
Thỏa ước cho phép công dân và cư dân, hoặc doanh nghiệp được thành lập ở quốc gia thành viên của Thỏa ước, có được sự bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở nhiều nước theo các thủ tục sau:
- Một bản đăng kí "quốc tế" duy nhất;
- Một ngôn ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp);
- Trả một khoản phí duy nhất;
- Bằng một loại tiền tệ;
- Nộp đơn tại một cơ quan (hoặc là trực tiếp tại Văn phòng Quốc tế của WIPO hoặc trong các trường hợp nhất định thông qua cơ quan của Quốc gia kí kết).
Kiểu dáng công nghiệp là đối tượng của đơn đăng kí quốc tế được hưởng sự bảo hộ, tại quốc gia thành viên có liên quan mà không từ chối bảo hộ, giống như sự bảo hộ mà pháp luật trao cho kiểu dáng công nghiệp của quốc gia đó, trừ khi cơ quan kiểu dáng công nghiệp quốc gia từ chối bảo hộ theo các trường hợp được qui định.
Do vậy, kiểu dáng đăng kí quốc tế có quyền giống như kiểu dáng quốc gia về phạm vi bảo hộ và thực thi. Đồng thời, kiểu dáng đăng kí quốc tế hỗ trợ việc duy trì bảo hộ: chỉ có một khoản phí đăng kí duy nhất để gia hạn và thủ tục đơn giản để ghi nhận sự thay đổi bất kì, ví dụ, về quyền sở hữu hoặc địa chỉ.
(Tài liệu tham khảo: Những điều cần biết về sở hữu trí tuệ, Trung tâm Thương mại quốc tế và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới)