|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Cá mập' không thích những startup có một nhà sáng lập, nhưng ủng hộ cơ chế độc tài trong giai đoạn đầu

18:03 | 29/09/2019
Chia sẻ
Hai "cá mập" của Shark Tank Việt Nam cho rằng trong giai đoạn đầu, một startup cần hơn một nhà sáng lập, song nhóm sáng lập cần trao quyền hạn chi phối cho giám đốc điều hành.

Các "shark" không thích những startup chỉ có một nhà sáng lập

Phát biểu trong sự kiện "Đàm thoại nhà đầu tư: Kinh nghiệm tránh thất bại của startup" hôm 28/8, ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch tập đoàn NextTech - khẳng định ông không thích những startup chỉ có một người sáng lập. 

Quan điểm của ông Bình là nếu một startup chỉ có một người sáng lập, người đó nên tìm thêm 1-2 người đồng sáng lập nữa. Nhóm sáng lập phải chọn người có năng lực cao nhất làm giám đốc điều hành, đồng thời trao cho giám đốc quyền hạn chi phối.

"Những người đồng sáng lập phải bổ sung những giá trị mà người dẫn dắt còn thiếu", ông Bình phát biểu.

shark

Các nhà đầu tư xem sản phẩm của một startup trong chương trình Shark Tank Việt Nam. Ảnh: Shark Tank Việt Nam

Doanh nhân Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch tập đoàn CEN, nói rằng ông vẫn tiếp tục thực hiện các dự án khởi nghiệp. Trong những dự án ấy, vốn của ông luôn chiếm từ 80% trở lên để bảo đảm quyền tự quyết của người dẫn dắt. Nếu tìm được người đồng sáng lập ưng ý, ông Hưng có thể để họ trở thành cổ đông mà không cần góp vốn.

"Muốn thành công trong kinh doanh, startup phải có một đội ngũ đủ mạnh và giám đốc điều hành phải là người dẫn dắt, có quyền quyết định tuyệt đối. Giống như một vị thuyền trưởng, giám đốc sẽ là người lên tàu đầu tiên và xuống tàu cuối cùng", ông Hưng lập luận.

Ông Bình nhấn mạnh rằng startup có thể chấp nhận cơ chế "độc tài" của người dẫn dắt trong giai đoạn đầu. Theo ông, về phương diện lịch sử, phần lớn quốc gia vĩ đại trong lịch sử đều phát triển nhờ sự lãnh đạo của các nhà độc tài.

"Khi đất nước phát triển tới một mức nào đó, các cơ chế dân chủ mới xuất hiện để tiếp quản thành tựu của nhà độc tài", ông Bình nói.

Dẫn chiếu tới doanh nghiệp, ông Bình nhấn mạnh rằng, trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, cơ chế tập trung quyền lực cho nhà sáng lập chủ chốt sẽ bảo đảm sự thành công của startup. Trong giai đoạn phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO), doanh nghiệp có thể bỏ cơ chế "độc tài" để phù hợp với tình hình mới.

Thực tiễn ở các doanh nghiệp lớn và thành công

Ông Trần Quí Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát - từng phát biểu trong một khóa học mang tên "Tự động hóa doanh nghiệp", rằng doanh nghiệp cần áp dụng cơ chế chuyên quyền trong giai đoạn mà mọi người trong đội ngũ chưa đủ tự tin và năng lực để hành động.

Theo ông Thanh, đó là lúc phẩm chất "đương đầu sóng gió" của người đứng đầu phát huy tác dụng. Nhưng lạm dụng "chuyên quyền" sẽ rất nguy hiểm, bởi nó hạn chế sức sáng tạo của tập thể.

Tạp chí Fortune cho biết, phần lớn doanh nghiệp lớn và thành công luôn có ít nhất một quy tắc độc tài. Đương nhiên, mọi người đều muốn dân chủ, nhưng với doanh nghiệp, dân chủ có thể con đường kém hiệu quả nhất mà họ đi qua, đặc biệt là đối với startup.

Vấn đề lớn nhất trong quá trình xây dựng môi trường dân chủ của một tổ chức là nó "ngốn" rất nhiều thời gian. Ngay cả khi quá trình ra quyết định diễn ra nhanh chóng, nhóm sáng lập vẫn còn phải suy nghĩ về nhiều thứ.

INC cho rằng, trong môi trường dân chủ, người lãnh rủi ro chỉ là thiểu số nên sẽ không có quyền chi phối. Vì thế, doanh nghiệp sẽ phát triển chậm nhưng chắc. Mặc dù cơ cấu ấy có lợi cho cổ đông, nó có thể cản trở đà tiến của startup.

"Cơ chế dân chủ thực hiện những việc mà mọi người muốn, thay vì những việc tốt nhất cho mọi người", INC phân tích.

Nhạc Dương

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.