|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cả hai phải nhượng bộ vì áp lực trong nước, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có lâu bền?

05:22 | 21/10/2019
Chia sẻ
Giai đoạn một của thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được công bố trong bối cảnh lãnh đạo của cả hai quốc gia chịu áp lực chính trị và mối lo ngại kinh tế ngày càng lớn ở trong nước. Nhiều khúc mắc căn bản chưa được giải quyết khiến sự bền vững của thỏa thuận này vẫn còn là một câu hỏi mở.
trump xi 11/2018 TASS Getty

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tháng 11/2018. Ảnh: TASS/Getty Images.

Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng áp lực với chính quyền Bắc Kinh bằng cách nâng thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc, khăng khăng đòi một thỏa thuận thương mại toàn diện để giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan tới cách điều hành kinh tế Trung Quốc.

Chính quyền Bắc Kinh cũng không chịu kém, liên tục "ăn miếng trả miếng" bằng cách tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ, đồng thời nhất quán yêu cầu ông Trump gỡ bỏ toàn bộ thuế quan thì mới có hi vọng đạt được thỏa thuận.

Kết quả cuộc đàm phán hai ngày 10-11 tháng này cho thấy hai bên đã đi đến quyết định rằng thỏa thuận nửa vời vẫn còn tốt hơn là không có thỏa thuận nào. 

Theo đó, Trung Quốc đồng ý mua 40-50 tỉ USD nông sản Mỹ và thực hiện một số biện pháp mở cửa nền kinh tế trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ để đổi lại Mỹ không tăng thuế lên 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 15/10 như kế hoạch ban đầu.

Hai bên hiện nay đang tích cực thảo luận để "chốt" các điều khoản cụ thể trong thỏa thuận, dự kiến sẽ do hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình kí kết vào tháng sau tại Chile. Mới đây hôm 19/10, Phó Thủ tướng kiêm trưởng đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc Lưu Hạc cho biết hai nước đã đạt những "tiến bộ đáng kể" trong đàm phán.

Thỏa thuận hòa hoãn này đã làm dịu đi cuộc thương chiến căng thẳng đang gây ra những thiệt hại ngày càng lớn cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và đe dọa kéo tụt tăng trưởng toàn cầu. Quan trọng hơn, thỏa thuận này còn giúp cả Tổng thống Trump lẫn Chủ tịch Tập Cận Bình ứng phó những bất ổn trong nước.

Đình chiến vì không còn lựa chọn nào khác?

Ông Tập Cận Bình đang phải lo giải quyết cuộc biểu tình bạo lực kéo dài nhiều tháng trên đường phố Hong Kong cũng như giá thực phẩm tăng cao ở đại lục. Tổng thống Trump thì đang muốn định hướng dư luận đi xa khỏi vụ điều tra luận tội ông do Đảng Dân chủ thực hiện và sự liên quan của ông đối với Ukraine.

Ngoài ra, cả hai nhà lãnh đạo đều liên tiếp đón nhận những tin kém vui về kinh tế khi cuộc chiến thương mại khiến cho cỗ máy sản xuất và đầu tư gặp trục trặc.

Trao đổi với New York Times, ông Edward Alden – nhà nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế (CFR) nhận định: "Rõ ràng là cả Mỹ và Trung Quốc đều đã rơi vào thế bí trên bàn cờ thương mại. Hiện nay cả hai bên đều không nhận thấy lợi ích từ việc leo thang căng thẳng. Ông Trump thì muốn hòa hoãn vì lí do bầu cử, và tôi đoán Trung Quốc muốn đình chiến chủ yếu vì lí do kinh tế".

Từ lâu ông Trump và các cố vấn của ông đều khẳng định chiến tranh thương mại không gây ra tổn thất kinh tế, thay vào đó, họ đổ lỗi cho đồng USD quá mạnh và chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Tuy nhiên Fed đã hai lần cắt giảm lãi suất và những bằng chứng về tác động tiêu cực của thương chiến đang ngày càng hiện rõ.

Đầu tháng 10 này, Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung từ nay đến năm 2020 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 700 tỉ USD - tương đương toàn bộ GDP của một quốc gia như Thụy Sỹ.

Các quan chức cấp cao của Fed cũng nhiều lần cảnh báo các rủi ro kinh tế từ cuộc chiến thương mại của ông Trump. Fed cam kết sẽ làm những gì có thể để duy trì tăng trưởng nhưng quyền năng của ngân hàng trung ương này cũng có giới hạn.

Và các chỉ số cổ phiếu – thước đo thường được ông Trump sử dụng để minh chứng cho thành công của nhiệm kì Tổng thống của mình – biến động thất thường trong mỗi lần căng thẳng leo thang.

Hôm 11/10 khi thông báo thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc, ông Trump nói: "Mỗi lần có chút tin xấu là thị trường lao dốc không phanh. Và cứ mỗi lần xuất hiện tin tốt là thị trưởng lại tăng phi mã".

Trong bối cảnh cuộc bầu cử 2020 đang đến gần, ông Trump và nhóm vận động tranh cử của mình hiểu rõ rằng cần phải hạn chế mọi thiệt hại về kinh tế, đặc biệt là đối với các nhóm cử tri quan trọng như nông dân.

Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu chính của nhiều loại nông sản Mỹ như đậu nành, thịt heo và ngô. Từ khi thương chiến nổ ra, Trung Quốc cắt giảm nhập khẩu từ Mỹ khiến cho người nông dân của xứ cờ hoa lâm vào cảnh điêu đứng. 

Chính quyền Tổng thống Trump đã hai lần công bố các gói hỗ trợ với tổng trị giá 28 tỉ USD nhưng nông dân Mỹ vẫn cho là chưa đủ để bù đắp thiệt hại và hối thúc chính phủ chấm dứt căng thẳng thương mại với Trung Quốc.

Theo thỏa thuận mới công bố, Trung Quốc sẽ mua 40-50 tỉ USD nông sản Mỹ. Đồng thời Mỹ sẽ không tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỉ USD hàng Trung Quốc, đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ không trả đũa lên hàng hóa Mỹ, người dân Mỹ lại bớt đi được một mối lo.

"Trung Quốc đồng ý mua nhiều nông sản tới mức tôi không biết chúng ta có thể sản xuất đủ để bán hay không? Những người nông dân của chúng ta sẽ tìm ra giải pháp cho việc này. Cám ơn Trung Quốc!", ông Trump đăng trên Twitter ngày 12/10.

Thỏa thuận này thậm chí còn xuất hiện đúng lúc hơn cho Chủ tịch Tập Cận Bình. Giá thực phẩm tăng cao đã trở thành quốc nạn ở Trung Quốc. Dịch tả heo châu Phi hoành hành khiến cho đàn heo tại đây giảm mất một nửa, giá thịt heo tháng 9 tăng tới gần 70% khi người dân tranh nhau mua số thịt ít ỏi có trên thị trường.

Trong khi các bà nội trợ bắt đầu tìm mua thịt bò để thay thế thì các nhà đàm phán thương mại Trung Quốc đưa ra câu trả lời: "Mỹ có thể cung cấp cho chúng ta thịt bò, cùng với rất nhiều thịt heo, đậu nành và các loại thực phẩm khác".

Hy vọng hòa bình mong manh

Thỏa thuận thương mại mới được công bố có thể mang lại lợi ích cho một số ngành nhưng sẽ không đảo ngược được sự chia rẽ kinh tế sâu sắc giữa hai nước.

Mỹ vẫn giữ nguyên toàn bộ thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc trong hơn một năm thương chiến vừa qua. Kế hoạch tăng thuế bắt đầu vào ngày 15/10 đã bị hủy bỏ nhưng kế hoạch tăng thuế vào ngày 15/12 thì vẫn còn đó. 

Vì vậy, các doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục xu hướng chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, có thể một số sẽ về Mỹ nhưng nhiều khả năng là sẽ tới Đông Nam Á.

Theo giáo sư Eswar Prasad của Đại học Cornell đồng thời là chuyên gia của Brookings Institution, thỏa thuận này sẽ hạn chế các biện pháp trừng phạt mới nhưng không thể giải quyết được nguồn cơn của xung đột giữa hai nước.

Bà Elizabeth C. Economy – Giám đốc Nghiên cứu Châu Á tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế (CFR) thì nhận định: "Mỹ thậm chí không thể buộc Cuba làm theo ý mình, vậy nên tôi không nghĩ chúng ta có thể buộc cường quốc như Trung Quốc phải nghe lời".

Các nhà đàm phán cho biết họ sẽ tiếp tục thảo luận các vấn đề còn lại sau khi giai đoạn một đã được chính thức kí kết. 

Tuy nhiên sự thỏa hiệp giữa hai bên vừa qua cho thấy sự thay đổi chiến lược của các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump. Trước đây, ông Trump và các cố vấn luôn khẳng định sẽ chỉ chấp nhận một thỏa thuận toàn diện, giải quyết được các vấn đề "mang tính cấu trúc".

Tháng 2 năm nay, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer phát biểu trước quốc hội: "Chúng ta muốn thương mại bình đẳng, và điều đó đỏi hỏi phải có những thay đổi về cấu trúc".

Các nhà đàm phán Mỹ đã bàn đến việc kiềm chế một số chính sách công nghiệp của Trung Quốc bị cho là gây hại cho doanh nghiệp Mỹ, chẳng hạn như trợ cấp quá lớn của chính phủ, cưỡng ép doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ hoặc đánh cắp bí mật công nghệ. Thỏa thuận công bố mới đây chưa thể giải quyết được những vấn đề căn bản này.

Trong một thông cáo, Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung (đơn vị đại diện doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Trung Quốc) cho biết tổ chức này hi vọng thỏa thuận thương mại sẽ lập lại lòng tin đủ để các nhà đàm phán hai bên tìm giải pháp cho những vấn đề khác bao gồm "trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước đến mức bóp méo thị trường, và đối xử bình đẳng với doanh nghiệp Mỹ và các nước khác".

Không có gì đảm bảo Trung Quốc sẽ tiếp tục nhượng bộ trong đàm phán, đặc biệt là khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang phải chuẩn bị cho Kì họp Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối tháng 10 này.

Ủy ban gồm 204 quan chức cấp cao này nắm quyền lực rất lớn tại Trung Quốc và có thể thay thế lãnh đạo của đất nước.

Khi kì họp đang đến gần, Chủ tịch Tập Cần Bình ngày càng tỏ ra quan tâm hơn tới nhiều vấn đề chính sách, bao gồm cả quan hệ Mỹ-Trung lẫn tình hình sức khỏe chung của nền kinh tế. Cụ thể, để xử lí các cuộc đàm phán với Mỹ, ông Tập chọn một ủy ban của Đảng do ông trực tiếp quản lí và đưa cố vấn thân cận nhất của mình là Phó Thủ tướng Lưu Hạc vào ghế điều hành ủy ban.

Trong bối cảnh hiện nay, ông Tập sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi của các thành viên Ủy ban Trung ương Đảng dự họp. Vì vậy không loại trừ khả năng ông Tập đồng ý với thỏa thuận thương mại vừa qua vì muốn ứng phó với kì họp quan trọng vào cuối tháng 10. Từ đây dẫn tới một rủi ro là sau khi kì họp này qua đi, thỏa thuận có thể sẽ  đổ vỡ.

Một bằng chứng ủng hộ giả thuyết này là truyền thông Trung Quốc đưa tin khá thận trọng về kết quả cuộc đàm phán ngày 10-11/10. Các báo của nhà nước Trung Quốc đều cho rằng hai bên đã đạt một số tiến bộ nhưng không dùng từ "thỏa thuận". 

Bản thân Tổng thống Trump cũng sớm thừa nhận rằng các chi tiết của "thỏa thuận" vẫn chưa được hai bên thống nhất hay viết thành văn bản.

Trước đây Mỹ và Trung Quốc từng đạt được hai thỏa thuận "đình chiến", một tại Buenos Aires vào tháng 12/2018 và một tại Osaka vào tháng 6/2019. Thỏa thuận Buenos Aires kéo dài 5 tháng và thỏa thuận Osaka sụp đổ sau một tháng.

Khi được hỏi liệu thỏa thuận có thể tan vỡ trước khi hai nhà lãnh đạo đặt bút kí tại Chile vào tháng 11 tới hay không, Tổng thống Trump trả lời: "Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Khả năng đó có thể xảy ra."

Đức Quyền