|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Trung Quốc co cụm trong gió bão thương mại

06:52 | 29/09/2019
Chia sẻ
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh quá trình thoái vốn và bán tài sản ở nước ngoài, đặc biệt tại Mỹ. Một lí do là tình hình thanh khoản khó khăn nhưng nguyên nhân chính là cuộc chiến thương mại khốc liệt giữa hai siêu cường kinh tế.
china

Ảnh minh họa: Chu Toàn.

Doanh nghiệp Trung Quốc co cụm trong gió bão thương mại - Ảnh 1.

Năm 2016, công ty khai thác quặng sắt Shangdong Hongda của Trung Quốc đang làm ăn thua lỗ. Dù vậy, công ty này vẫn mua lại Jagex - một hãng phát triển game của Anh và vạch ra một kế hoạch tham vọng nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh sang các lĩnh vực như năng lượng và y tế trên khắp thế giới. 

Có vẻ như Shangdong Hongda quyết tâm bỏ lại quá khứ trì trệ của mình trong những hầm mỏ tối tăm ở quê nhà.

Nhưng rồi công ty Trung Quốc này chỉ nắm giữ Jagex trong chưa đầy hai năm và những ước mơ viển vông khác giờ đây cũng đã tan thành mây khói.

Con đường thất bại của Shangdong Hongda đã chứng kiến không ít doanh nghiệp Trung Quốc khác đi vào. Các doanh nghiệp này có chung đặc điểm là muốn tận dụng nguồn vốn tín dụng rẻ để xông pha vào các quốc gia xa xôi, những lĩnh vực mới lạ. 

Nhưng đến khi điều kiện tín dụng thắt chặt và bị các cơ quan quản lí tăng cường giám sát mức độ rủi ro hoạt động, các doanh nghiệp Trung Quốc dần dần co cụm lại.

Doanh nghiệp Trung Quốc co cụm trong gió bão thương mại - Ảnh 2.

Financial Times dẫn số liệu thống kê của Dealogic cho thấy, kể từ đầu năm 2019 đến nay, doanh nghiệp Trung Quốc đã bán tổng cộng 40 tỉ USD tài sản ở thước ngoài - con số cao chưa từng thấy trong lịch sử. Trong khi đó, giá trị tài sản mua vào giảm mạnh còn 35 tỉ USD do doanh nghiệp sợ bị gắn mác là kẻ đầu cơ.

Đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp Trung Quốc bán ròng tài sản trên toàn cầu trong vòng một thập kỉ trở lại đây. 

 Ông Colin Banfield – Đồng Giám đốc M&A quốc tế tại Citigroup nói: "Chắc chắn các doanh nghiệp đang tập trung vào việc giảm tỉ lệ đòn bẩy, tuy nhiên chúng tôi thấy xu thế này chưa tác động tới những doanh nghiệp tài trợ vốn một cách thận trọng và đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi".

Doanh nghiệp Trung Quốc co cụm trong gió bão thương mại - Ảnh 3.

Câu chuyện doanh nghiệp Trung Quốc mua dồn dập rồi bán ồ ạt tài sản ở nước ngoài có liên quan chặt chẽ tới chính sách kinh tế nội địa của nước này.

Theo Financial Times, năm 2015, Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ để chặn đà giảm tốc kinh tế, đồng thời cho phép ngân hàng trung ương bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ. Các doanh nghiệp tư nhân như Shandong Hongda tận dụng nguồn tiền rẻ này để mở rộng hoạt động ở nước ngoài, mua các tài sản bằng đồng USD trước khi đồng nhân dân tệ mất giá thêm.

Cuối năm 2016, cơ quan quản lí ngoại hối Trung Quốc lại thắt chặt giao dịch đầu cơ và trong hai năm sau đó, một số doanh nghiệp tích cực mua sắm tài sản nước ngoài nhất như Dalian Wanda, HNA và Anbang đã đảo ngược dòng tiền, chuyển từ mua sang bán hàng chục tỉ USD.

Từ đó đến nay, điều kiện thanh khoản hầu như không được cải thiện. Các nhà đầu cơ rất khó tìm được sự hỗ trợ từ ngân hàng và những doanh nghiệp nặng nợ ngày càng chịu nhiều áp lực. 

Bà Cindy Huang - Giám đốc bộ phận xếp hạng doanh nghiệp tại S&P Global cho rằng bức tranh thanh khoản của toàn thị trường Trung Quốc đã thay đổi chóng mặt trong 3,5 năm qua: "Từ năm 2018 trở về sau, thanh khoản đã thắt chặt hơn rất nhiều. Những doanh nghiệp mở rộng và sáp nhập mạnh mẽ giờ đây nhận thấy rất khó thu hút được nguồn vốn".

Doanh nghiệp Trung Quốc co cụm trong gió bão thương mại - Ảnh 4.

Nước Mỹ đã trở thành điểm nóng của hoạt động bán tháo tài sản của doanh nghiệp Trung Quốc trong năm nay, giữa bối cảnh thương chiến giữa hai siêu cường kinh tế diễn ra ác liệt. Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, doanh nghiệp Trung Quốc đã bán 26 tỉ USD tài sản Mỹ, cao gấp hơn 3 lần con số 8 tỉ USD cùng kì năm ngoái. 

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Trung Quốc chỉ mua 7,3 tỉ USD tài sản Mỹ, giảm 89% so với mức đỉnh 64,3 tỉ USD hồi năm 2016.

Doanh nghiệp Trung Quốc co cụm trong gió bão thương mại - Ảnh 5.

Áp lực đối với hoạt động mua bán và sáp nhập của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ đến từ cả hai quốc gia. 

Từ cuối năm 2018, chính quyền Mỹ đã đẩy mạnh giám sát các thương vụ mua lại từ phía Trung Quốc, đặc biệt là ở các lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ hoặc bất cứ doanh nghiệp nào liên quan tới thu thập dữ liệu cá nhân.

Đầu năm nay, chính phủ Mỹ yêu cầu hai doanh nghiệp Trung Quốc là Beijing Kunlun (lĩnh vực trò chơi) và iCarbonX (lĩnh vực công nghệ sinh học) phải thoái vốn khỏi các công ty Mỹ mà hai doanh nghiệp này mua lại trước đó là ứng dụng hẹn hò Grindr và ứng dụng nghiên cứu y tế Patientslikeme.

Theo nguồn tin thân cận của Financial Times, nguyên nhân của quyết định này là chính phủ Mỹ lo ngại chính phủ Trung Quốc có thể thông qua doanh nghiệp để tiếp cận dữ liệu riêng tư của khách hàng tại Mỹ. 

Cùng lúc đó, chính phủ Trung Quốc cũng đang gây áp lực buộc doanh nghiệp trong nước thoái vốn khỏi Mỹ để trả đũa những xung đột về thương mại.

Doanh nghiệp Trung Quốc co cụm trong gió bão thương mại - Ảnh 6.

"Tôi kì vọng xu thế này sẽ còn tiếp tục trong vài tháng tới cho đến khi tranh chấp thương mại Mỹ - Trung có triển vọng kết thúc rõ ràng", ông Aaron nói thêm.

Doanh nghiệp Trung Quốc co cụm trong gió bão thương mại - Ảnh 7.

Thương vụ thoái vốn lớn nhất của doanh nghiệp Trung Quốc trong năm nay là một nhóm nhà đầu tư do tập đoàn bất động sản China Vanke và Hopu Investment Management dẫn đầu bán công ty kho bãi GLP của Mỹ tại Singapore cho Blackstone với giá 18,7 tỉ USD. 

Doanh nghiệp Trung Quốc co cụm trong gió bão thương mại - Ảnh 8.

Giao dịch này có sự tham gia của các nhà đầu tư nhà nước như Ngân hàng Bank of China và được một số chuyên gia coi là thương vụ có định hướng của nhà nước chứ không phải vì khó khăn về thanh khoản.

Ngoài ra chính phủ Trung Quốc cũng muốn dọn dẹp một số thương vụ đầu tư sai lầm và xu thế này được kì vọng sẽ tiếp tục cho tới năm sau.

Thương vụ thoái vốn lớn thứ hai của Trung Quốc trong năm nay là hãng bảo hiểm Anbang Insurance bán một danh mục khách sạn tại Mỹ cho tập đoàn Mirae Asset của Hàn Quốc. 

Năm 2017, Anbang Insurance đã được nhà nước Trung Quốc mua lại và đổi tên thành Dajia Insurance. Sang năm 2018, công ty này phải nhận gói cứu trợ 10 tỉ USD, cho thấy rõ sự túng quẫn về thanh khoản.

Trong một số trường hợp, các tập đoàn nhà nước vào cuộc và tài sản toàn cầu chỉ chuyển từ tay chủ nhân Trung Quốc này sang chủ nhân Trung Quốc khác.

Năm 2017, công ty năng lượng CEFC của Trung Quốc từng cố gắng mua khối cổ phần 9 tỉ USD trong công ty dầu khí Rosneft của Nga nhưng không thành. Trước đó vào năm 2015, CEFC mua lại tập đoàn hàng không Travel Services của Czech.

Sau khi chủ tịch của CEFC bị bắt giam, một số tài sản của CEFC bị chia nhỏ cho các doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, Travel Services được mua lại bởi tập đoàn đa ngành Citic.

Từng làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp Trung Quốc hiện bán tháo tài sản, một chuyên gia ngân hàng đầu tư cho biết: "Chính phủ Trung Quốc vẫn đang chỉ đạo nhiều thương vụ trong số này và dọn sạch một số vụ bê bối xảy ra từ mấy năm trước". 

Nội dung: Song Ngọc, Đồ họa: Chu Toàn

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.