Chính quyền Donald Trump bàn việc hủy niêm yết hàng trăm cổ phiếu Trung Quốc tại Mỹ
Nguồn tin của CNBC cho biết chính phủ Mỹ đang xem xét các biện pháp hạn chế rủi ro tài chính của Mỹ tại Trung Quốc, bao gồm việc cấm doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Trung Quốc
Các cuộc thảo luận này mới ở giai đoạn đầu và chưa có biện pháp cụ thể nào được quyết định. Dù vậy, một chính sách kiểu như trên có thể tạo ra sóng gió trên thị trường tài chính toàn cầu và ảnh hưởng tới hàng tỉ USD đầu tư gắn với các chỉ số lớn (ở các quĩ chỉ số, quĩ ETF).
Theo Bloomberg News, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bật đèn xanh cho các cuộc thảo luận này. Các biện pháp cụ thể được thảo luận bao gồm hủy niêm yết bắt buộc các cổ phiếu Trung Quốc tại sàn chứng khoán Mỹ và hạn chế các quĩ hưu trí Mỹ mua cổ phiếu Trung Quốc hoặc mua các chỉ số có thành phần cổ phiếu Trung Quốc.
Một nguồn tin nội bộ trong chính quyền cho biết chính phủ Mỹ chưa thảo luận với chính phủ Trung Quốc về vấn đề này và không muốn chính sách hạn chế đầu tư này ảnh hưởng tới quá trình đàm phán thương mại đang diễn ra.
Sau khi thông tin trên được công bố, giá cổ phiếu các doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ đồng loạt giảm mạnh. Cụ thể, Alibaba giảm 5,1% và đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 5 trở lại đây. Các cổ phiếu Baidu và JD.com giảm lần lượt 3,7% và 6%. Chứng chỉ quĩ iShares China Large-Cap ETF giảm 1,15% trong phiên 27/9.
Những cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ có vốn hóa lớn nhất hiện nay. Nguồn số liệu: Bloomberg.
Theo nguồn tin của CNBC, chính sách này có mục tiêu là bảo vệ nhà đầu tư Mỹ khỏi những rủi ro thái quá tại Trung Quốc do thị trường nước này thiếu sự giám sát của các cơ quan quản lí và các chính sách kế toán kém minh bạch.
Nguồn tin riêng của Reuters cho biết: "Đây là một ưu tiên cấp thiết của chính quyền Mỹ. Các công ty Trung Quốc không tuân thủ qui định của PCAOB (Hội đồng Giám sát Kế toán Công ty đại chúng) và do vậy gây ra rủi ro đối với nhà đầu tư Mỹ".
Hiện nay có 156 cổ phiếu Trung Quốc đại lục giao dịch tại các sàn chứng khoán Mỹ trong đó có ít nhất 11 doanh nghiệp nhà nước. Nếu cộng thêm cả các cổ phiếu doanh nghiệp Hong Kong, con số cổ phiếu đang giao dịch tại Mỹ tăng lên thành 229. Hiện chưa rõ việc hủy niêm yết sẽ được thực hiện cụ thể như thế nào.
Giá cổ phiếu của các tập đoàn sở hữu sàn chứng khoán tại Mỹ cũng đi xuống. Cụ thể Intercontinental Exchange (công ty mẹ của Sàn chứng khoán New York – NYSE) giảm 1,88% trong ngày 27/9. Trong khi đó Nasdaq Inc (sở hữu sàn Nasdaq) giảm 1,7%.
Sức ép từ Quốc hội
Những thảo luận đang diễn ra tại Nhà Trắng được cho là xuất phát từ sức ép của một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ.
Tháng 6 năm nay, Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Đảng Cộng hòa) đã gửi thư đến Tổng Giám đốc của tổ chức cung cấp chỉ số toàn cầu MSCI, đề nghị tổ chức này giải thích việc đưa cổ phiếu Trung Quốc vào chỉ số thị trường mới nổi được đông đảo nhà đầu tư quan tâm.
Cụ thể, ông Rubio yêu cầu MSCI cung cấp các tiêu chí cụ thể (ngoại trừ các tiêu chí đã được công bố trên website) mà hãng dùng để đánh giá và thêm cổ phiếu Trung Quốc vào các chỉ số.
Ông muốn biết MSCI có tìm hiểu những yếu tố như cơ cấu cổ đông, cơ cấu chủ nợ, quan hệ với chính phủ ... của các doanh nghiệp Trung Quốc trước khi thêm vào chỉ số hay không.
"Chúng ta không thể để Trung Quốc tiếp tục hưởng lợi từ thị trường vốn Mỹ và quốc tế trong khi Trung Quốc luôn trốn tránh nghĩa vụ minh bạch thông tin tài chính cơ bản nhất, từ đó đẩy nhà đầu tư cũng như người hưu trí Mỹ vào rủi ro", ông Rubio viết trong bức thư gửi tới Chủ tịch và CEO của MSCI – ông Henry Fernandez – vào ngày 12/6 năm nay.
Ông Rubio cũng nêu ra một vụ bê bối gần đây để chứng minh cho lập luận của mình: "Tháng 4 vừa qua, Kangmei Pharmaceutical Co. - một công ty Trung Quốc góp mặt trong một số chỉ số toàn cầu của MSCI, đã thừa nhận thổi phồng khối tiền mặt trị giá lên tới 4,4 tỉ USD".
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio từng là đối thủ tranh cử Tổng thống với ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016. Ảnh: CNBC.
Cuối tháng 8 vừa qua, ông Marco Rubio và một Thượng nghị sĩ khác là Jeanne Shaheen (Đảng Dân chủ) lại gửi thư cho ông Michael Kennedy – Chủ tịch Ủy ban đầu tư tiết kiệm hưu trí Liên bang Mỹ (FRTIB) để yêu cầu ông này thay đổi một quyết định đầu tư có thể kéo theo hàng tỉ USD chảy vào cổ phiếu Trung Quốc.
Trong thư, các nghị sĩ cho rằng quĩ đầu tư của FRTIB đang có ý định hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc bằng "đồng lương của các sĩ quan, binh sĩ quân đội và công chức liên bang Mỹ".
Lá thư còn cho rằng khoảng 50 tỉ USD tiền tiết kiệm của người dân Mỹ sẽ phải hứng chịu những rủi ro "nghiêm trọng và mờ ám" vì bị đem đầu tư vào một số công ty Trung Quốc.
Bản sao của lá thư này còn được gửi cho Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.
"Ủy ban đầu tư tiết kiệm hưu trí Liên bang phải công khai thay đổi quyết định đầu tư trên ngay lập tức", Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói thêm.
Trả lời tờ Financial Times, ông Rubio nói: " FRTIB đã đưa ra một quyết định thiển cận và ngu ngốc, có tác dụng tài trợ cho chính quyền Trung Quốc, giúp họ làm tổn hại lợi ích kinh tế Mỹ và tiền tiết kiệm hưu trí của binh sĩ cũng như nhiều công chức liên bang khác".
Theo Bloomberg đưa tin mới đây, chính quyền Tổng thống Trump đã thảo luận với ông Rubio và hiện đang xem xét có nên ủng hộ dự luật của ông Rubio về hạn chế đầu tư vào doanh nghiệp Trung Quốc hay không.
Một nguồn tin của Bloomberg cho biết, chính phủ Mỹ thảo luận việc hạn chế đầu tư vào Trung Quốc ngay lúc này là do chịu sức ép từ các nghị sĩ quốc hội và để có thể ra quyết định kịp thời trước khi quĩ đầu tư của FRTIB bắt đầu rót hàng tỉ USD vào các cổ phiếu Trung Quốc.