|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều dự báo tiêu cực về kinh tế Trung Quốc trong quí III

11:48 | 27/09/2019
Chia sẻ
Các số liệu kinh tế của Trung Quốc trong vài tháng qua đều khiến thị trường thất vọng, tuy nhiên điều tồi tệ nhất có thể vẫn chưa kết thúc khi mà các nhà phân tích của China Beige Book dự đoán dữ liệu quí III sẽ còn yếu hơn nửa đầu năm 2019.
105749493-1550658679041gettyimages-1091972374

Ảnh: Bloomberg

Một cuộc khảo sát được thực hiện hàng quí do China Beige Book công bố hôm 25/9 cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chững lại trong quí III, trong khi mức nợ tiếp tục tăng vọt.

"Trên toàn quốc, doanh thu, lợi nhuận, sản lượng, doanh số và tăng trưởng việc làm đều chững lại so với quí II, đồng thời số lượng đơn đặt hàng trong nước và xuất khẩu cũng gặp tình trạng tương tự", CNBC dẫn kết quả khảo sát của China Beige Book trên hơn 3.300 doanh nghiệp Trung Quốc.

Quan trọng hơn, China Beige Book nhận thấy mức nợ vẫn gia tăng, trong đó phát hành trái phiếu nhảy vọt lên mức cao nhất trong lịch sử của cuộc khảo sát.

Tỉ lệ của hoạt động ngân hàng ngầm (shadow banking) so với tổng vay nợ cũng đang cao thứ hai kể từ khi có số liệu thống kê. 

Hoạt động ngân hàng ngầm liên quan đến việc cho vay không được kiểm soát, có rủi ro lớn hơn do ít chịu giám sát của cơ quan chính phủ.

Nợ nần cao

"Mức vay nợ vẫn còn cao. Bất kì lo ngại nào khác về áp lực trên thị trường lao động đều có thể khiến chính phủ Trung Quốc thúc giục doanh nghiệp tăng cường thuê lao động khi tín dụng được cấp mới", ông Shehzad Qazi, Giám đốc điều hành của China Beige Book International, cho hay.

Dữ liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy tăng trưởng kinh tế quí IV/2018 chỉ đạt 6,4%, kéo tốc độ tăng trưởng thường niên xuống 6,6% - chậm nhất kể từ năm 1990. Nhưng cũng cần chỉ ra rằng lâu nay các nhà kinh tế vẫn thường hoài nghi về số liệu chính thức của Trung Quốc.

Tính từ đầu năm 2019 đến nay, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới duy trì ở mức 6,5% trong quí I và giảm xuống 6,2% vào quí II. Trung Quốc dự kiến sẽ công bố tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quí III vào giữa tháng 10 tới.

Kích thích kinh tế chưa tạo xung lực lớn

Ông Yuxian Zhang, Giám đốc của bộ phận dự báo kinh tế thuộc Trung tâm Thông tin Nhà nước Trung Quốc, cũng cho biết tốc độ tăng trưởng quí III sẽ ghi nhận ở mức thấp trong năm nay.

Lí giải nhận định trên, ông cho biết chính sách của chính phủ không thực sự có tác dụng trong nửa đầu năm 2019 và hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ như cắt giảm thuế sẽ mất nhiều thời gian mới tạo ra "quả ngọt".

Ông Zhang dự đoán GDP sẽ tăng 6,1% trong quí III và 6,2% trong quí IV, đưa tốc độ tăng trưởng thường niên lên phạm vi 6,2% - 6,3%.

Không tính đến GDP, hiện chưa rõ nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong quá trình cân bằng chính sách hỗ trợ kinh tế với giảm phụ thuộc vào mức nợ cho mục tiêu tăng trưởng sẽ mang lại hiệu quả đến đâu.

Tính đến cuối tháng 6, Trung Quốc đã hoàn thành hơn một nửa mục tiêu cắt giảm thuế và phí khoảng 2.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương 280,93 tỉ USD) trong năm nay, ông Liu Shangxi, Chủ tịch Viện Khoa học Tài chính Trung Quốc, cho biết.

Tuy nhiên, ông Liu cũng chỉ ra, thông báo và việc thực hiện chính sách cắt giảm thuế ban đầu không thể "níu" tốc độ tăng trưởng kinh tế khỏi trượt dốc trong quí II, một phần là do các yếu tố bên ngoài.

"Hướng đi của chính sách kinh tế vĩ mô và quá trình hoàn thiện chính sách giảm thuế và phí hiện tại (nên tập trung vào) tăng mức độ tự tin của doanh nghiệp và ổn định kì vọng kinh doanh", ông Liu cho hay.

Kinh tế giảm tốc

Căng thẳng thương mại với Mỹ, quốc gia từng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, đã khiến tình trạng bất ổn kinh tế trở nên nghiêm trọng hơn trong năm 2018.

Nhiều nhà phân tích cũng nhanh chóng lưu ý rằng phần lớn nguyên nhân khiến nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc đến từ trong nước, chẳng hạn như nỗ lực giảm phụ thuộc vào nợ cho mục đích tăng trưởng của chính phủ.

Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng chính thức trong khoảng 6 - 6,5%, đồng thời lưu ý việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng hoặc cao hơn 6% trong năm nay là "rất khó".

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại, các nhà chức trách đã nỗ lực hơn một năm nay để khuyến khích ngân hàng cho doanh nghiệp tư nhân vay vốn nhiều hơn.

Các ngân hàng nhà nước lớn thường ưu tiên cho doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ vay hơn là doanh nghiệp tư nhân - đối tượng đóng góp phần lớn vào tăng trưởng và việc làm của đất nước.

Các số liệu chính thức cho thấy tốc độ cho vay đối với doanh nghiệp vừa và siêu nhỏ đã tăng.

Trong một cuộc họp báo hôm 24/9, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương chia sẻ tính đến cuối tháng 8, số tiền cho các doanh nghiệp thuộc nhóm này vay  là 11.000 tỉ nhân dân tệ, tăng 23% so với cùng kì năm ngoái và tăng 8 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trưởng vào cuối năm 2018.

Ông Dịch Cương còn cho biết, các nhà chức trách Trung Quốc sẽ không cung cấp kích thích kinh tế dư thừa, tràn lan.

Doanh nghiệp thường xuyên đi vay vốn

"Tính từ đầu năm 2019 đến nay, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đã tăng mạnh, nhưng thay đổi lớn nhất vẫn đến từ hoạt động cho vay vốn doanh nghiệp ngắn hạn, bao gồm cả hình thức hối phiếu.

Điều này cho thấy nhu cầu tín dụng đã chững lại", ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng tại Macquarie, cho hay.

Ít nhất là đối với các hãng sản xuất, cuộc khảo sát của China Beige Book nhận thấy một loạt phản ứng đáng lo ngại: "Hoạt động vay vốn của các doanh nghiệp này phổ biến đến mức gần như mọi công ty được khảo sát đều đã đi vay trong năm nay".

"Có một thái cực khác còn đáng lo ngại hơn là có cùng một nhóm doanh nghiệp chiếm hơn 30% số nói trên quí nào cũng đi vay", CNBC dẫn kết quả nghiên cứu của China Beige Book cho hay.

Đối với các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung, dữ liệu cho thấy thời hạn vay vốn trung bình là 19 tháng, ngắn hơn so với trung bình quí trước là 26 tháng. Phần lớn các khoản vay đều có thời hạn hơn một năm.

Yên Khê