'Bộ ba ác mộng' với thị trường chứng khoán
Từ trái qua phải: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ảnh: Bloomberg, Nhà Trắng.
Đầu tiên chắc chắn phải kể đến Tổng thống Mỹ Donald Trump – người có khả năng làm cho các thị trường tài chính lên như diều gặp gió hoặc lao dốc không phanh chỉ với một dòng thông báo trên Twitter (tweet).
Thứ hai là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell – người liên tục phải chịu những lời mắng nhiếc thậm tệ từ Tổng thống Trump, đòi hỏi ông phải làm những điều tốt nhất cho nền kinh tế. Khổ nỗi những điều Fed cho là tốt nhất với nền kinh tế Mỹ lại chưa chắc là điều mà ông Trump muốn.
Và cuối cùng là chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – người đứng đầu bộ máy quyền lực của đất nước tỉ dân, nơi mà quan chức ngân hàng trung ương và lãnh đạo đất nước nổi tiếng là luôn có cùng tiếng nói chính sách chứ không công kích lẫn nhau như ở Mỹ.
"Đau tim" vì những lời tuyên bố dồn dập
Không ít lần bộ ba này đã làm các thị trường chứng khoán, tài chính phải một phen náo loạn. Mới đây hôm 22/8, Tổng thống Trump đăng tweet chỉ trích Fed:
"Nền kinh tế Mỹ đang hoạt động rất tốt. Và Fed có thể dễ dàng biến 'rất tốt' thành 'tốt chưa từng có'. Nhưng tại sao chúng ta đang phải trả lãi suất quá cao như thế này? Hãy thay đổi sớm, đừng để đến khi quá muộn. Hãy làm cho nước Mỹ không chỉ thắng mà phải thắng lớn".
Chủ tịch Fed Jerome Powell không lên tiếng phản bác thẳng thừng mà để cho thị trường chờ đợi, tìm kiếm gợi ý chính sách trong bài phát biểu của ông tại hội nghị Jackson Hole, Wyoming.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones của Mỹ ngày 22/8 biến động mạnh theo cả hai chiều xanh – đỏ, có lúc tăng tới 186 điểm và có lúc giảm gần 104 điểm so với tham chiếu giữa sự bất định về chính sách.
Bước sang ngày 23/8, tại Jackson Hole, ông Jerome Powell dường như không muốn tỏ ra khuất phục trước áp lực chính trị từ Tổng thống Trump nên chỉ cam kết sẽ thực hiện các hành động cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng chứ không có lỗ trình giảm lãi suất mạnh tay trong tương lai.
Giới phân tích đánh giá đây là dấu hiệu chính sách thiếu tích cực cho nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.
Cùng thời điểm này, chính quyền của ông Tập Cận Bình công bố kế hoạch tăng thuế đối với 75 tỉ USD hàng hóa Mỹ.
Đáp trả thông báo áp thuế của Trung Quốc, Tổng thống Trump phản ứng rất nhanh bằng việc đăng dòng tweet ra lệnh cho tất cả doanh nghiệp Mỹ tìm phương án thay thế cho hoạt động tại Trung Quốc, bao gồm cả đưa sản xuất quay về nước Mỹ.
Sau ít giờ hội ý với các cố vấn, ông Trump công bố đòn trả đũa thứ hai: Tăng thuế quan 5 điểm % đối với toàn bộ toàn bộ 550 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ, trong đó 250 tỉ USD bị tăng thuế từ 25% lên 30%, và 300 tỉ USD còn lại dự kiến bị tăng từ 10% lên 15%.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 623 điểm trong phiên giao dịch đầy sóng gió ngày thứ Sáu, 23/8. Chỉ số lao dốc mạnh nhất khi ông Trump đăng tweet yêu cầu doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc.
Ngày Chủ nhật (25/8, giờ Mỹ), giao dịch hợp đồng tương lai dự báo chỉ số Dow Jones sẽ giảm 200-300 điểm khi thị trường chính thức mở cửa ngày 26/8 do những dư âm tiêu cực từ diễn biến leo thang căng thẳng thương mại ngày cuối tuần.
Đột ngột sau đó, ông Trump nói rằng phía Trung Quốc đã liên lạc với quan chức thương mại cấp cao của Mỹ để đề xuất nối lại đàm phán. Với thông tin tích cực này, hợp đồng tương lai dự báo Dow Jones mở cửa tăng khoảng 200 điểm – đúng như thực tế diễn ra.
Các chỉ số chính khác như Nasdaq Composite hay S&P 500 cũng duy trì sắc xanh trong phiên 26/8 và đóng cửa tăng hơn 1%.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm sâu, tăng sốc với những hình then chắn (bar chart) "dài ngoẵng" mỗi khi xuất hiện tin tức thương mại. Nguồn: Reuters.
Tuy vậy người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hai lần khẳng định ông không hề biết về bất cứ cuộc gọi nào giữa quan chức thương mại cấp cao hai bên. Các quan chức Trung Quốc khác cũng từ chối xác nhận.
Tổng Biên tập Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc thì khẳng định hai bên chỉ nói chuyện ở cấp chuyên viên và không có ý nghĩa lớn lao như ông Trump nói. Bị "mừng hụt", thị trường chứng khoán Mỹ ngày 27/8 lại đóng cửa trong sắc đỏ, Dow Jones mất 121 điểm.
Ảnh minh họa: Bloomberg.
Vòng lặp chết người: Chủ tịch Fed phát biểu, Tổng thống Trump đăng tweet, Trung Quốc phản ứng
Đây không phải là lần đầu tiên bộ ba Donald Trump, Tập Cận Bình và Jerome Powell khiến giới đầu tư phải "đau tim". Trong những ngày đầu tháng 8, thị trường tài chính Mỹ cũng như toàn thế giới rơi vào cảnh hỗn loạn khi ba nhân vật quyền lực trên "choảng" nhau.
Suốt từ cuối tháng 12/2018 ông Trump đã yêu cầu, thậm chí đe dọa Fed phải nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong cuộc họp chính sách kết thúc ngày 31/7, quả nhiên Fed đã đi đến quyết định giảm lãi suất.
Nhưng dường như để duy trì cảm nhận về sự độc lập chính trị của Fed, ông Powell cho biết đây chỉ là một "sự điều chỉnh giữa chu kì" chứ không phải sự khởi đầu cho một lộ trình giảm lãi suất kéo dài.
Thông thường thị trường chứng khoán tăng điểm khi lãi suất giảm nhưng lần này với bình luận của ông Powell, thị trường lao dốc, chỉ số Dow Jones mất 330 điểm.
Ngay ngày hôm sau (1/8), ông Trump đăng tweet công bố kế hoạch áp thuế quan lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại hiện chưa bị đánh thuế.
Chỉ số Dow Jones ngày 1/8 đang hồi phục, có lúc tăng 311 điểm so với tham chiếu nhưng sau thông báo của ông Trump, thị trường lao dốc không phanh, đóng cửa giảm 280 điểm. Các thị trường chứng khoán khắp châu Á đồng loạt "cắm đầu", VN-Index cũng mất 18 điểm trong phiên sau đó.
Nhiệm vụ của Fed theo qui định trong luật là toàn dụng việc làm và kiểm soát lãi suất dưới 2%. Các chỉ tiêu này đều trong vùng an toàn nhưng Fed vẫn giảm lãi suất vì muốn giúp nền kinh tế chống chịu tốt hơn với "các yếu tố rủi ro từ tăng trưởng toàn cầu chậm lại và bất ổn chính sách thương mại", theo phát biểu của ông Powell sau cuộc họp.
Các chuyên gia suy đoán rằng ông Trump đã chú ý tới câu nói trên của ông Powell và đã cố ý gây bất ổn thương mại để dồn Fed vào chân tường, buộc Fed phải mạnh tay hạ lãi suất hơn nữa.
Ông Trump không giấu giếm mong muốn của mình khi đăng tweet chỉ trích Fed: "Điều mà thị trường muốn nghe từ ông Powell và Fed là lần giảm lãi suất này là điểm khởi đầu cho một giai đoạn cắt giảm lãi suất mạnh tay và kéo dài …. Nhưng như thường lệ, Jerome Powell đã làm chúng ta phải thất vọng."
Tất nhiên khi ông Trump thông báo đánh thuế thì Trung Quốc cũng phải có biện pháp đáp trả.
Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngày 5/8 thả cho giá trị đồng nhân dân tệ giảm quá ngưỡng 7 đổi 1 USD lần đầu tiên trong 11 năm. Trung Quốc còn yêu cầu doanh nghiệp nhà nước ngừng mua nông sản Mỹ để gia tăng áp lực lên nông dân và giá ngô, đậu nành Mỹ.
Cả ba chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ ngày 5/8 cùng có phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2019. Tại Việt Nam, VN-Index cũng mất gần 9 điểm.
Có ai hiểu chuyện gì đang diễn ra?
Những lần căng thẳng và xung đột leo thang như trên làm lộ rõ sự mong manh yếu đuối của nền kinh tế cũng như các thị trường tài chính toàn cầu. Các nhà đầu tư từng hi vọng quan hệ Mỹ - Trung đang ổn định, thậm chí là đang cải thiện nhưng rồi bị dội một gáo nước lạnh khi căng thẳng leo thang đột ngột.
Người trong cuộc cũng có lúc bị "hớ". Trong buổi họp báo hôm 31/7, ông Powell nói "Sau khi lắng dịu hồi đầu năm, căng thẳng thương mại đột ngột sôi sục lên trong tháng 5 và tháng 6 nhưng hiện nay tình hình có vẻ đã lắng dịu trở lại".
Chưa đầy 24 giờ sau, Tổng thống Trump đã công bố kế hoạch áp thuế lên 300 tỉ USD hàng Trung Quốc – một bước đi được đánh giá là nhắm đến hai mục tiêu: Chống lại Trung Quốc và buộc Fed giảm lãi suất.
Hôm 26-27/8 mới đây, đến lượt phía Trung Quốc phải tỏ ra ngạc nhiên khi ông Trump nói Trung Quốc gọi cho quan chức cấp cao Mỹ và đề xuất nối lại đàm phán.
Giả định trước đây về việc ông Trump sẽ không để thương chiến kéo dài tới cuộc bầu cử 2020 đang bị xem xét lại khi căng thẳng không ngừng gia tăng. Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs giờ đây cho rằng xung đột thương mại sẽ không thể được giải quyết trước bầu cử và Fed sẽ phải giảm lãi suất thêm hai lần nữa trong năm nay để kích thích kinh tế.