|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thêm tín hiệu tiêu cực về thương mại và suy thoái, chứng khoán Mỹ đóng cửa trong sắc đỏ

06:45 | 28/08/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 27/8 diễn biến tích cực đầu phiên nhưng rồi đồng loạt đóng cửa dưới tham chiếu sau khi thị trường trái phiếu phát đi tín hiệu nghiêm trọng về khả năng suy thoái kinh tế. Nhà đầu tư cũng lo ngại chiến tranh thương mại sẽ không thể sớm được giải quyết.

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 121 điểm và đóng cửa ở 25.777,9 điểm. Trong phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số này có lúc tăng hơn 150 điểm.

Chỉ số S&P 500 giảm 0,32% xuống còn 2.869,16 điểm. Nasdaq Composite giảm 0,34% còn 7.826,95 điểm khi các cổ phiếu lớn như Netflix, Nvidia và T-Mobile cùng đi xuống.

27-8

Biến động chỉ số chứng khoán và giá một số hàng hóa trên thị trường Mỹ ngày 27/8. Nguồn: CNBC.

Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm và 2 năm giảm xuống mức âm 5 điểm cơ bản, mức thấp nhất kể từ năm 2007 đến nay. Lợi suất kì hạn 3 tháng cũng đã cao hơn kì hạn 30 năm.

Việc lợi suất trái phiếu kì hạn ngắn cao hơn lợi suất trái phiếu kì hạn dài được gọi là hiện tượng đường cong lợi suất đảo ngược. Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư lo lắng vì hiện tượng đường cong lợi suất đảo ngược này từng dự báo nhiều cuộc suy thoái kinh tế trước đây.

Thêm tín hiệu tiêu cực về thương mại và suy thoái, chứng khoán Mỹ đóng cửa trong sắc đỏ - Ảnh 2.

Biến động lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 3 tháng và 2, 10, 30 năm, kể từ tháng 5 đến nay. Nguồn: CNBC

Các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt đi xuống vì việc lợi suất kì hạn ngắn cao hơn lợi suất kì hạn dài là môi trường tiêu cực cho hoạt động của ngân hàng. Bank of America giảm 1,1% trong khi Citigroup và JP Morgan Chase mất lần lượt 1,6% và 1%.

Tâm lí nhà đầu tư cũng sa sút sau khi ông Hồ Tích Tiến – Tổng Biên tập Thời báo Hoàn Cầu (một báo lớn của nhà nước Trung Quốc) đăng tweet thể hiện lập trường cứng rắn của Trung Quốc trong vấn đề thương mại.

Cụ thể, ông Tiến viết: "Hôm thứ Ba (27/8) Trung Quốc đã ban hành 20 chỉ thị để thúc đẩy tiêu dùng. Đây là một phần của nỗ lực huy động sức mạnh từ thị trường trong nước. Trung Quốc hiện không quá coi trọng các cuộc đàm phán thương mại. 

Nền kinh tế Trung Quốc giờ đây được thúc đẩy từ bên trong và Mỹ sẽ ngày càng khó để có thể gây áp lực buộc Trung Quốc nhượng bộ".

Các biện pháp mà Trung Quốc công bố để kích thích tiêu dùng bao gồm việc xem xét bỏ hạn chế mua xe ô tô và khuyến khích mua các loại xe năng lượng mới.

Phiên 26/8, thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt đi lên, các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đều tăng từ 1 đến 1,3%. Nhiều cổ phiếu tăng mạnh sau khi Tổng thống Trump tuyên bố bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 rằng Trung Quốc đã liên hệ với quan chức cấp cao Mỹ qua điện thoại và đề xuất nối lại đàm phán.

Tuy nhiên người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã hai lần trả lời báo giới rằng ông không biết thông tin gì về cuộc gọi mà ông Trump nhắc tới, lần gần đây nhất là 24 giờ sau tuyên bố của ông Trump.

Ông Hồ Tích Tiến – Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu thì cho biết các nhà đàm phán cao cấp hai bên không hề nói chuyện điện thoại trong mấy ngày qua, chỉ có liên lạc cấp chuyên viên và không mang ý nghĩa trọng đại như lời ông Trump nói.

Ông Trump và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cùng tái khẳng định hai bên đã nói chuyện điện thoại cấp cao nhưng từ chối cho biết cụ thể cấp cao đến đâu và ai là người nói chuyện.

Song Ngọc