|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bảo đảm an toàn cho phi hành đoàn là mục tiêu khó của của các hãng hàng không trong đại dịch COVID-19

10:31 | 09/05/2020
Chia sẻ
Phi hành đoàn khó có thể bảo đảm an toàn cho bản thân khi họ phải ngồi sát đồng nghiệp hàng giờ liền trên máy bay và giãn cách xã hội với khách hàng cũng gần như bất khả thi.

Bloomberg đưa tin hàng nghìn phi công và tiếp viên hàng không đang có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 hàng ngày. Hơn 500 người đã ngã bệnh và một số đã không thể qua khỏi.

Các công đoàn đại diện cho phi công và tiếp viên hàng không đang rất thất vọng với chính phủ Mỹ vì họ không muốn ban hành tiêu chuẩn an toàn trên chuyến bay. Ngoài ra, các tổ chức này còn cho đây là thất bại của các hãng hàng không, đó là còn chưa kể một số khách hàng còn không tuân thủ các khuyến nghị của cơ quan y tế.

Ông Joe DePete - Chủ tịch Hiệp hội Phi công Hàng không (ALPA) đại diện cho 63.000 thành viên, cho biết: "Các phi công đang mạo hiểm sức khỏe khi họ đi làm".

Đại dịch COVID-19: 'Cửa thoát hiểm' nào cho phi hành đoàn trong buồng lái ở độ cao hơn 9.000m? - Ảnh 1.

Một phi công bước đi giữa khung cảnh vắng lặng ở sân bay quốc tế San Francisco hôm 2/4. (Ảnh: Bloomberg)

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump lại đang thúc giục chính quyền các bang mở cửa nền kinh tế Mỹ trở lại. Động thái ấy có thể khuyến khích người dân bay trở lại, làm gia tăng rủi ro cho các phi hành đoàn.

Đến nay, đại dịch COVID-19 đã phá hủy nhu cầu đi lại, khiến lượng hành khách giảm xuống chỉ còn 5% mức của năm ngoái. Lượng hàng khách gần đây đã tăng trở lại, song chỉ nhích nhẹ, đẩy ngành hàng không vào cảnh thua lỗ hàng tỉ USD và đối mặt với một tương lai bất định.

Dù các hãng hàng không đã giảm lịch trình để tiết kiệm tiền, các máy bay lại đầy hơn, thỉnh thoảng thậm chí còn chật kín người.

Trong một phiên điều trần ở Thượng viện Mỹ hôm 6/5, các đại diện của ngành hàng không đã bảo vệ hành động của họ. Tuy nhiên, họ thừa nhận chính phủ Mỹ cần ban hành thêm các yêu cầu về y tế.

"Đây là vấn đề chúng ta cần phải nghiêm túc xem xét", ông Nicholas Calio - Chủ tịch Airlines for America (tổ chức đại diện cho các hãng hàng không lớn), nói với các nhà lập pháp Mỹ.

Trong vài cuộc phỏng vấn thời gian gần đây, hàng chục phi công và tiếp viên đã mô tả về một thế giới hỗn loạn: hàng loạt chuyến bay bị hủy, phi hành đoàn thỉnh thoảng đụng độ với các hành khách không hiểu được rủi ro của dịch bệnh và các nhà ga trống trơn chỉ lác đác vài chuyến bay - một thực tế kì lạ mới xuất hiện.

Một số phi hành đoàn, bao gồm cả người có vấn đề về sức khỏe, cho biết họ sợ hãi, đắn đo giữa việc bị cắt lương do lệnh yêu cầu ở yên tại nhà theo các hợp đồng với hãng hàng không với những nguy hiểm rình rập khi làm việc.

Cục Hàng không Liên bang (FAA) và CDC đã hợp tác để soạn thảo hướng dẫn cho các hãng hàng không về một số vấn đề như sử dụng khẩu trang, vệ sinh máy bay và kiểm tra lịch sử dịch tễ của các phi hành đoàn cho kết quả dương tính với COVID-19. Tuy nhiên, cuối cùng hai cơ quan này không đưa ra bất kì tài liệu nào.

Trong một tuyên bố, FAA cho biết họ không có thẩm quyền pháp lí để ban hành các biện pháp trên nhưng nhấn mạnh rằng các hãng hàng không nên tuân thủ những hướng dẫn đã được đề xuất.

Mặc dù CDC đã có một số khuyến nghị riêng dành cho ngành hàng không, lời khuyên dành cho người dân Mỹ, bao gồm việc tránh tụ tập đông người và giãn cách ít nhất 2m (ngay cả khi đeo khẩu trang) là điều không thể thực hiện trên một chiếc máy bay đông đúc.

Nhiều hạn chế còn tồn tại

Bất chấp một số hướng dẫn từ các cơ quan chính phủ, các phi hành đoàn cho biết nhiều hạn chế còn tồn đọng và có một số lỗ hổng khó hiểu trong hướng dẫn.

"Chúng tôi có một cuộc chiến trên nhiều mặt trận trong tương lai", ông Dennis Tajer - cơ trưởng của hãng American Airlines kiêm phát ngôn viên của Hiệp hội Phi công Đồng minh, chia sẻ với Bloomberg.

Hôm 6/5, ALPA phát hành một báo cáo đề cập đến hàng chục khúc mắc từ các phi công giấu tên, bao gồm các cáo buộc rằng nhiều hãng hàng không không cung cấp vật tư vệ sinh máy bay, không đưa ra mô tả về các điều kiện kém an toàn cũng như không báo cáo về lịch sử dịch tễ của các đồng nghiệp đã nhiễm COVID-19.

Ngày 28/4, một phi công đã báo cáo rằng ông phải dùng chung xe di chuyển từ khách sạn đến sân bay với 18 người khác, tính cả tài xế. Các phi công ngồi vai kề vai và hầu hết không đeo khẩu trang.

"Nếu một người nhiễm COVID-19, chúng tôi đều sẽ bị lây nhiễm trong chuyến xe kéo dài 10 phút từ khách sạn đến sân bay", vị phi công nói. "Tôi thấy chuyện này nhiều lần rồi. Thật chẳng còn an toàn khi đi làm!"

Tổ chức Airlines for America không thể xác minh các sai sót về vấn đề an toàn bay nêu ra trong báo cáo của ALPA, ông Calio cho biết.

Buồng lái cũng là một vấn đề đau đầu khác. Trên các máy bay thân nhỏ một lối đi phổ biến, cơ trưởng và phi công phụ lái ngồi cách nhau khoảng hơn 1,2m hàng giờ liền, tức họ không thể thực hiện giãn cách xã hội.

Làm sao vệ sinh hết mọi ngóc ngách trên máy bay?

Các công tắc và núm cửa có thể được vệ sinh giữa các chuyến bay, ít nhất một hãng hàng không đã cảnh báo phi hành đoàn không nên chà sát mạnh đến mức xóa hết dấu vân tay lưu lại trên thiết bị. Tuy nhiên, vệ sinh máy bay bằng tay khó có thể chạm đến mọi ngóc ngách.

Nhiều hãng hàng không đang sử dụng phương pháp xịt hóa chất để khử trùng buồng lái và cabin, tuy nhiên các biện pháp này không được thực hiện sau mỗi chuyến bay và sẽ không bảo vệ phi hành đoàn nếu một đồng nghiệp dương tính với COVID-19 ngồi gần họ.

Đại dịch COVID-19: 'Cửa thoát hiểm' nào cho phi hành đoàn trong buồng lái ở độ cao hơn 9.000m? - Ảnh 2.

Một nhân viên phun khử trùng máy bay, tuy nhiên việc này khó mà thực hiện sau mỗi chuyến bay được. (Ảnh: Getty Images)

Đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay sẽ rất có ích, một phi công mắc bệnh tim cho hay. Tuy nhiên, dựa theo tin nhắn trong phòng chat, người này cho rằng ít nhất một số phi hành đoàn tại hãng bay của anh dường như không thích ý tưởng đeo khẩu trang.

Tương tự hầu hết các đối thủ, hãng hàng không của người phi công nêu trên đang kêu gọi nhân viên đeo khẩu trang nếu họ không thể giãn cách hơn 2m so với đồng nghiệp.

Tuy nhiên không có yêu cầu đeo khẩu trang khi là việc trong buồng lái khi mà các phi công khó có thể làm việc trong trạng thái cách xa nhau. Người phi công trên nói rằng thật điên rồ khi làm việc mà thiếu hướng dẫn cụ thể.

Gặp khó với việc xét nghiệm

Theo Bloomberg, các phi công cũng đang chật vật để có thêm bộ kit xét nghiệm COVID-19 cũng như để đưa ra thông báo phù hợp khi đồng nghiệp nhiễm bệnh, ông Jon Weaks - Chủ tịch Hiệp hội Phi công Southwest, cho hay.

"Chúng tôi hiểu chúng tôi có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn so với công chúng nói chung", ông Weaks chia sẻ.

Trong cabin, tiếp viên cũng có trận chiến riêng. Một số hành khách dường như không hiểu được sự cần thiết của việc giãn cách xã hội hay làm sao đeo khẩu trang đúng cách, ba tiếp viên giấu tên cho hay.

Căng thẳng bùng lên gần đây khi tiếp viên Andrew Kothlow (đã che giấu danh tính) yêu cầu một người phụ nữ đang đi về phía nhà vệ sinh phía sau máu bay dừng lại cho đến khi anh có thể di chuyển sang một bên. Người hành khách này trở nên bối rối và giận dữ, Kothlow nói.

"Luôn có một hành khách nào đó không hiểu nguyên nhân tại sao có những qui định này", anh Kothlow chia sẻ. "Họ cứ nói: 'Tôi không mắc bệnh', nhưng tôi làm sao biết chắc được".

Khả Nhân

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.