|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Băng thông (Bandwidth) là gì? Hiểu về băng thông

00:00 | 14/03/2020
Chia sẻ
Băng thông (tiếng Anh: Bandwidth) là khả năng truyền dữ liệu của mạng máy tính, đo bằng bit/giây (Bps).
Băng thông (Bandwidth) là gì? Hiểu về băng thông - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: localbackhaul.com)

Băng thông (Bandwidth)

Khái niệm

Băng thông trong tiếng Anh là Bandwidth.

Băng thông là khả năng truyền dữ liệu của mạng máy tính, đo bằng bit/giây (Bps). Thuật ngữ này cũng có thể được sử dụng thông tục để chỉ năng lực của một người khi tương tác với các nhiệm vụ hoặc suy nghĩ thấu đáo tại một thời điểm.

Hiểu về băng thông

Băng thông là thước đo lượng thông tin mà một mạng, một nhóm gồm hai hoặc nhiều thiết bị giao tiếp với nhau, có thể truyền tải. Dữ liệu di chuyển từ A đến B giống như nước chảy qua các đường ống từ một điểm cung cấp đến vòi sử dụng.

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) thường biểu thị tốc độ băng thông tính bằng hàng triệu bit mỗi giây (Bps) hay megabits (Mbps) và hàng tỉ Bps hay gigabits (Gbps). Nói chung, băng thông càng lớn, máy tính tải thông tin từ Internet càng nhanh, bao gồm email hoặc phim phát trực tuyến.

Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) định nghĩa tốc độ Internet băng thông rộng là các kết nối có băng thông 25 Mbps để tải xuống và 3 Mbps khi tải lên. Các nhà cung cấp sẽ nêu rõ lượng băng thông cho khách hàng, mặc dù con số họ đưa ra có thể không phải lúc nào cũng phản ánh đúng với lượng khách hàng thực sự nhận được.

Kết nối có thể bị ngắt quãng khi một mạng bị giới hạn bởi tốc độ thấp nhất đến một số máy tính cùng một lúc. Nhiều máy tính được kết nối với cùng tốc độ băng thông làm chậm băng thông cho tất cả những người có chung kết nối.

Lịch sử về băng thông

Từ năm 1994, Internet đã chuyển đổi từ một công nghệ thích hợp, chủ yếu phục vụ cho việc kết nối các phòng thí nghiệm tham gia nghiên cứu của chính phủ, thành một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Vào tháng 12 năm 1995, đã có 0,4% dân số thế giới truy cập Internet. Đến tháng 6 năm 2019, đã có hơn một nửa dân số toàn cầu truy cập được.

Mọi người giờ đây phụ thuộc vào Internet để giao tiếp, mua sắm hàng hóa, kiếm thu nhập, tiếp cận thông tin và giải trí. Trong những năm qua, công nghệ đã trở nên đa dạng hơn về nội dung, sự tinh vi và số lượng người tham gia, có nghĩa là lượng băng thông cần thiết để sử dụng nó một cách hiệu quả đã tăng lên đáng kể.

Từ cuối năm 2015 đến quý IV năm 2017, tốc độ Internet trung bình tăng 28,6% lên 7,2 Mb/giây. Ookla, một công ty chuyên về thử nghiệm và phân tích Internet, tuyên bố rằng Singapore có khả năng băng thông tốt nhất thế giới, với tốc độ trực tuyến là 153,85 Mbps, nhiều hơn gấp đôi tốc độ bằng thông 75,94 Mbps được đăng kí tại Hoa Kỳ.

Nhu cầu băng thông dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới. Đến năm 2025, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ước tính rằng sẽ có 463 exabyte dữ liệu sẽ được tạo ra mỗi ngày trên toàn cầu. Trong viễn cảnh này, nó tương đương với hơn 212 tỉ DVD dữ liệu mới cứ mỗi 24 giờ.

(Tài liệu tham khảo: investopedia.com)

Tường Vy