Xác nhận phạm vi (Validate Scope) trong quản lí phạm vi dự án là gì? Vai trò
Xác nhận phạm vi trong quản lí phạm vi dự án
Khái niệm
Xác nhận phạm vi hay còn gọi là kiểm tra và thống nhất phạm vi trong tiếng Anh được gọi là Validate Scope.
Xác nhận phạm vi là quá trình rà soát lại toàn bộ phạm vi dự án và có được sự chấp thuận chính thức về các đầu ra của dự án.
Xác nhận phạm vi khác với kiểm soát chất lượng theo nghĩa rằng xác nhận phạm vi liên quan đến việc đạt được sự chấp thuận chung các đầu ra của dự án trong khi đó kiểm soát chất lượng liên quan đến việc đảm bảo các đầu ra phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng đã đề ra.
Thông thường kiểm soát chất lượng được tiến hành trước khi thực hiện xác nhận phạm vi.
Thuật ngữ liên quan
- Quản lí phạm vi dự án liên quan đến việc xác định những nội dung công việc mà dự án phải tiến hành và những công việc không thuộc về dự án.
Quản lí phạm vi dự án bao gồm các quá trình tiến hành nhằm xác định các hoạt động thuộc dự án để thực hiện thành công dự án.
- Phạm vi dự án là các công việc cần phải thực hiện để tạo ra sản phẩm/dịch vụ hoặc một kết quả với những đặc điểm và tính năng hoạt động đã xác định trước. Kết quả của dự án cung cấp cho khách hàng có thể là sản phẩm, dịch vụ hoặc một bản báo cáo.
Ví dụ, một dự án nghiên cứu thị trường mà một công ty tư vấn thực hiện theo một bản hợp đồng với khách hàng sẽ bao gồm các hoạt động nghiên cứu tiến hành để cho ra kết quả nghiên cứu đáp ứng được những yêu cầu và tiêu chuẩn chất lượng nhất định đã được xác định trước trong hợp đồng thoả thuận với khách hàng.
Hoạt động xác nhận
Xác nhận phạm vi bao gồm việc thống nhất với khách hàng và người bảo trợ để đảm bảo rằng các đầu ra đáp ứng các yêu cầu của họ và có được sự chấp thuận chính thức từ khách hàng và người bảo trợ.
Vai trò
Xác nhận phạm vi nhằm đảm bảo rằng khách hàng và người bảo trợ sẽ được cung cấp cái mà họ thực sự mong muốn, và đáp ứng được các yêu cầu về chi phí, chất lượng, tiến độ thực hiện và tạo ra các kết quả dự án như mong đợi.
(Tài liệu tham khảo: Quản trị dự án, TS. Nguyễn Quốc Duy, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư, 2012)