|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xã hội Italia trong 'thời chiến' chống COVID-19

07:53 | 13/03/2020
Chia sẻ
Khi lệnh phong tỏa được đưa ra, các sự kiện công cộng, các trường học, viện bảo tàng, rạp chiếu phim ở Italia đều phải hủy bỏ và đóng cửa do dịch bệnh.

“Đây là tình huống kỳ lạ nhất tôi từng thấy, các lệnh giới nghiêm y như trong thời chiến. Mọi người đều làm công việc của họ. 

Tôi nghĩ làm tất cả việc này là cần thiết, mọi người cần tuân theo các lệnh giới nghiêm như một sự tôn trọng đối với những người thiệt mạng vì dịch Covid-19”, CNN trích lời thực tập sinh Lydia Carelli làm việc tại Tòa án Tối cao Italia.

Cô này cho biết, gia đình muốn cô trở về thành phố quê hương Naples. Nhưng Carelli “không về để tránh các nguy cơ” phòng trường hợp cô bị nhiễm bệnh. 

“Thật khó tin khi nghĩ thói quen ở một nơi nào đó lại có thể gây ra tác động toàn cầu tới như thế. Khi chúng ta kết thúc được thời gian cách ly, thì chúng ta sẽ thật sự cần phải nghĩ lại về cách sống của bản thân”, cô nói thêm.

Trong khi đó, khách du lịch người Anh Adrian Toll tới Rome du lịch cho biết, rất nhiều danh lam thắng cảnh đều ‘trống vắng’. 

“Tất cả các quảng trường, nhà hàng đều gần như bị ‘bỏ hoang’. Không có một ai ở đó. Tôi có thể cảm nhận được người dân Italia đang thật sự chiến đấu với bệnh dịch”, anh Toll cho biết.

Xã hội Italia trong 'thời chiến' chống COVID-19 - Ảnh 1.

Quảng trường Thánh Peter, Vatican, Italia. Ảnh: AP

Vào 6 giờ tối khi lệnh giới nghiêm buổi tối có hiệu lực tại Rome, các nhà hàng, quán bar vốn trước đây mang lại ‘cuộc sống về đêm’ cho thủ đô Italia nay đều phải đóng cửa, và chỉ có một số ít xe buýt chạy trên đường. 

Luôn có hiện diện của lực lượng cảnh sát khi người dân đi trên những con đường, một số người tới các siêu thị vẫn còn mở cửa nhằm mua các nhu yếu phẩm hàng ngày.

‘Mọi người đang hành động không hợp lý’

“Tôi sống từ thời Thế chiến Hai khi còn là một cô bé, nhưng tình hình hiện nay đang khiến tôi bị sốc bởi tôi chưa từng thấy tình hình như thế này bao giờ. 

Tôi cảm thấy lo ngại vì không biết tình hình này khi nào sẽ kết thúc, bạn sẽ không được làm bất kỳ điều gì bạn muốn, cứ có cảm giác như đang sống ẩn dật vậy”, cụ bà Filomena Gasparri trả lời phỏng vấn CNN nói.

Chồng bà, ông Emidio cho biết, quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm toàn Italia là đúng đắn, bao gồm cả việc đóng cửa khu nghỉ dưỡng trượt tuyết tại vùng Rivisondoli, nơi ông và vợ đang sinh sống.

“Chính quyền đã làm đúng khi đóng cửa các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết, tại ở đó đang rất hỗn loạn. Đại đa số người tại đó đang có những hành động không hợp lý lẽ. Họ tìm cách tá túc tại đó, nghĩ rằng virus Covid-19 sẽ không xuất hiện ở các vùng núi. 

Một số người trẻ tuổi nói rằng họ sẽ ổn thôi, đó chỉ là bệnh của người già, nhưng trên thực tế thì không phải vậy”, ông Emidio nói.

Theo ông này, virus corona sẽ còn tiếp tục phát tán bởi những thanh niên đó tiếp tục “ôm hôn và sống như chưa có chuyện gì xảy ra”.

Khắp Italia, có một số người cố tình ‘lách’ qua các lệnh giới nghiêm. Nghiếp ảnh gia Alex Roggero sống ở vùng Sestri Levante đã bị bắt, khi anh này cố tìm cách thăm nom cha mẹ mình đang bị nhiễm bệnh và phải cách ly. 

“Chúng tôi bị phong tỏa hoàn toàn. Tôi có thể thấy một số người đang đi lại xung quanh, mặc dù họ không nên làm vậy”, anh Roggero nói.

Đồng thời anh này cũng lo ngại về khả năng virus Covid-19 sẽ lan xuống miền nam “khi mọi việc không diễn ra tốt đẹp”, và chính phủ nên hành động sớm hơn. “Châu Âu đã không được chuẩn bị để đối phó dịch bệnh. 

Vì một số chính sách, nên chúng ta không thể áp dụng các biện pháp mạnh tay như chính phủ Trung Quốc đã làm”, anh nói thêm.

Xã hội Italia trong 'thời chiến' chống COVID-19 - Ảnh 2.

Đường phố Milan ít người đi lại. Ảnh: AP

Giới kinh doanh ở Italia cũng đưa ra vô số quy định nhằm tuân thủ yêu cầu của chính phủ nước này về khoảng cách tối thiểu giữa người với người là một mét tại các nơi công cộng. 

Anh Biagio Manca làm việc tại một quán bar ở Rome cho biết, anh không cần phải làm theo quy định trên, do quán anh làm việc có rất ít khách. Anh nói có cảm giác như ngày tận thế vậy, nhưng anh vẫn tuân thủ theo các quy định của chính phủ.

Một số siêu thị và cửa hiệu thuốc cũng chỉ phục vụ một lượng khách nhất định nhằm đảm bảo không gian giữa các khách hàng với nhau. 

Ngoài ra việc đi lại trên toàn Italia sẽ chỉ chấp thuận các lý do như buôn bán hoặc sức khỏe, trong khi các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra các đường cao tốc và tàu hỏa. Các sân bay vẫn mở cửa, dù đã có nhiều hãng hàng không hủy lịch trình bay tới Italia.

Chưa kể lệnh giới nghiêm đã gây ra tình trạng hỗn loạn tại 22 nhà tù khắp Italia, khi có tới 11 phạm nhân thiệt mạng, 50 phạm nhân trốn thoát và các cai ngục bị bắt làm con tin, khi lệnh giới nghiêm cấm việc thăm nom của thân nhân các tù nhân như một nỗ lực ngăn chặn virus phát tán.

Châu Âu áp đặt các lệnh giới nghiêm lớn hơn

Những biện pháp chính quyền Italia đưa ra có thể coi như cách đối phó dịch mạnh mẽ nhất diễn ra bên ngoài Trung Quốc, và nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu làm theo. 

Trung tâm phòng chống dịch bệnh châu Âu xác nhận tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đều có các ca nhiễm, trong khi Nghị viện EU tuyên bố tổ chức này sẽ hủy bỏ tất cả các hoạt động không quan trọng.

Nhiều vùng tại Tây Ban Nha đã được liệt vào “Giai đoạn tăng cường kiểm soát”, bao gồm đóng cửa tất cả các trường học, trường mẫu giáo, trường đại học trong vòng 15 ngày và khuyến cáo không nên đi lại nếu không cần thiết. 

Ở Ba Lan, các cuộc mít tinh đông người bị đình chỉ, nhiều trường ở Cộng hòa Séc đã đóng cửa từ hôm 11/3 còn Ireland thì hủy bỏ các cuộc diễu hành kỷ niệm ngày thánh Patrick.

Tuấn Trần

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.