Italy phong tỏa toàn quốc để ngăn dịch COVID-19, mức tiêu thụ hải sản giảm sâu
Hôm 9/3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ra lệnh mở rộng phạm vi phong tỏa từ vùng Lombardy ra toàn bộ đất nước. Lệnh phong tỏa này sẽ có hiệu lực đến hết ngày 3/4.
Trước đó, vào đầu giờ sáng hôm 8/3, ông Conte đã phê chuẩn một sắc lệnh ngay lập tức phong tỏa 16 triệu dân sống tại vùng Lombardy và 14 tỉnh thành khác ở miền bắc Italy. Khu vực đặt dưới lệnh cách li cũ chiếm hơn 1/4 tổng dân số của Italy.
Theo lệnh phong tỏa mới, toàn bộ các buổi tụ tập công cộng đều bị cấm, và mọi sự kiện thể thao phải hoãn lại.
Lệnh phong tỏa nêu trên tương tự như các biện pháp từng được áp dụng tại các tỉnh thành của Trung Quốc và được cho là đã giúp ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID-19 ở nước này.
Theo Undercurrent News (UCN), hàng hóa được phép ra vào các khu vực bị ảnh hưởng ở Italy. Vận chuyển hàng hóa được xem là "điều cần thiết" nên tương tự như việc cung cấp vật tư y tế, hoạt động này không chịu ảnh hưởng của các lệnh phong tỏa, miễn là người vận chuyển hàng hóa khai báo y tế đúng qui định.
Dù vậy, việc hạn chế giờ mở cửa của nhiều nhà hàng, trung tâm thương mại, chợ cùng một số hoạt động thương mại khác được dự đoán là sẽ gây ảnh hưởng sâu hơn đến mức tiêu thụ hải sản trong vài tuần tới.
Tình hình kinh doanh hải sản ế ẩm
UCN dẫn lời giám đốc cấp cao của một trong các nhà phân phối hải sản tươi và đông lạnh lớn nhất Italy cho hay mức tiêu thụ hiện đã giảm. Ông này còn thảo luận về tác động của dịch COVID-19 tại Italy trong 3 - 4 tuần qua.
Trong giai đoạn này, hoạt động kinh doanh của công ty đã sụt giảm hơn 20% so với cùng kì năm ngoái và thiệt hại chỉ được bù đắp một phần nhờ doanh số tăng nhẹ tại các siêu thị do người dân tích trực hàng hóa trong tâm lí hoảng loạn.
Vị giám đốc trên nói thêm: "Người dân đến siêu thị để mua thêm mì ống, giấy vệ sinh và thực phẩm đóng hộp về trữ, nhưng họ không mua tôm và hải sản chất lượng của chúng tôi".
Ông cũng cho hay số đơn đặt hàng từ các nhà hàng Trung Quốc đã giảm khoảng 70 - 80% do các sản phẩm chuyên dùng để chế biến sushi, cùng đơn đặt hàng cá hồi tươi và tôm Ecuador đều bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, việc căng tin trường học phải tạm đóng cửa trên khắp Italy cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhà phân phối hải sản nêu trên. Vị giám đốc cấp cao cho biết số đơn đặt hàng hải sản từ ngành nhà hàng đã giảm 20 - 70%.
"Chúng tôi là một trong các công ty phân phối hải sản ít bị ảnh hưởng nhất vì chúng tôi đã đa dạng loại hình kinh doanh từ dịch vụ ăn uống, bán lẻ và bán buôn. Tuy nhiên, một số công ty khác đã lỗ 50 - 70%", ông chia sẻ với UCN.
"Trong vài tuần tới, chúng tôi sẽ có một bức tranh chi tiết hơn về tác động của dịch COVID-19", vị giám đốc nói thêm.
"Sau một năm 2019 kinh doanh khó khăn vì giá và sản lượng một số loại hải sản như bạch tuộc và tôm sụt giảm, chúng tôi dự đoán công ty sẽ tăng trưởng trong năm 2020. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã quét sạch mọi chiến lược của chúng tôi", ông nói.
Một nhà cung ứng tôm của Argentina cho hay công ty của ông cũng đang theo dõi sát sao tình hình ở Italy, đồng thời ông cũng ghi nhận tình trạng sụt giảm đơn hàng ở công ty mình.
"Chúng tôi cũng sẽ quan sát thêm tình hình dịch bệnh ở châu Âu. Nếu ngành du lịch chững lại, mức tiêu thụ sẽ giảm và nhìn chung ngành hải sản cũng không nhận được lợi lộc gì", nhà cung ứng trên chia sẻ.
Theo cập nhật từ Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 7h30 (giờ Việt Nam) ngày 10/3, ngoài Trung Quốc đã có đến 102 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca nhiễm virus corona. Số trường hợp xác nhận nhiễm bệnh trên toàn thế giới hiện là 113.921 và số ca tử vong là 3.995.
Đáng chú ý, Italy hôm nay đã vượt qua Hàn Quốc, trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc đại lục. Hiện tại, quốc gia châu Âu này ghi nhận số ca dương tính và tử vong lần lượt là 9.172 và 463.