|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Italy phong tỏa toàn bộ đất nước để chống dịch COVID-19

09:26 | 10/03/2020
Chia sẻ
Hôm 9/3, Thủ tướng Italy đã ra lệnh mở rộng phạm vi phong tỏa từ vùng Lombardy ra toàn bộ đất nước. Tất cả các buổi tụ tập đông người đều bị cấm. Người dân được khuyên nên ở trong nhà trừ khi đi làm hoặc có việc khẩn cấp.
Italy phong tỏa toàn bộ đất nước để chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Một người đàn ông đeo khẩu trang đi ngang qua Đấu trường La Mã ở Rome vào ngày 7/3/ 2020 trong bối cảnh Italy lo sợ về dịch COVID-19. Ảnh: Getty Images

CNBC đưa tin hôm 9/3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thông báo sẽ mở rộng phạm vi phong tỏa từ vùng Lombardy ra toàn bộ đất nước. Quyết định này được đưa ra sau khi số trường hợp xác nhận nhiễm COVID-19 của Italy trong ngày tăng mạnh, biến Italy thành nước có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc.

Thủ tướng Conte khuyến cáo tất cả 60 triệu người dân của đất nước này chỉ nên ra khỏi nhà khi phải đi làm hoặc trong trường hợp khẩn cấp. Toàn bộ các buổi tụ tập công cộng đều bị cấm, mọi sự kiện thể thao phải hoãn lại.

Ông Conte cho biết quyết định này được đưa ra để bảo vệ những người dân dễ bị tổn thương trước dịch COVID-19 nhất. Lệnh phong tỏa bắt đầu có hiệu lực từ 10/3 và kéo dài đến hết ngày 3/4.

Thủ tướng Italy nói: "Quyết định đúng đắn trong ngày hôm nay là mọi người ở trong nhà. Tương lai của mọi người dân và toàn bộ đất nước Italy đều nằm trong tay chúng ta. Hôm nay, chúng ta phải nắm lấy trách nhiệm hơn bao giờ hết".

Lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước là một phiên bản mở rộng của biện pháp cách li toàn bộ một khu vực gồm 16 triệu người dân mà Italy đã thực hiện từ cuối tuần trước.

Thủ tướng Conte cho biết toàn bộ trường học và đại học sẽ đóng cửa cho đến 3/4, nhưng phương tiện công cộng vẫn sẽ hoạt động. Trước đó, các trường học trên khắp Italy được lệnh đóng cửa cho đến 15/3. Mọi nhà hàng và quán rượu phải ngừng hoạt động lúc 6 giờ tối.

Phong tỏa toàn bộ đất nước là biện pháp ngăn ngừa COVID-19 lây lan quyết liệ nhất mà chính phủ một quốc gia áp dụng, không kể Trung Quốc.

Thủ tướng Conte nói: "Chúng ta không có thời gian. Các con số cho thấy số trường hợp lây nhiễm, bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt và các ca tử vong do COVID-19 đã tăng lên rất nhiều. Chúng ta phải thay đổi thói quen của mình ngay bây giờ. Chúng ta phải hi sinh vì Italy."

Trước đó, các quan chức chính phủ Italy đã cho phong tỏa toàn bộ khu vực Lombardy -vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi COVID-19 tại nước này. 

Việc mở rộng khu vực phong tỏa ra toàn quốc được áp dụng sau khi tổng số ca tử vong vì COVID-19 trên toàn Itay tăng vọt từ 97 lên 463 người hôm 9/3.

Italy cũng ghi nhận 1.807 ca nhiễm mới trong ngày, nâng tổng số trường hợp nhiễm COVID-19 lên ít nhất 9.172 người. Đây là mức tăng lớn nhất theo số tuyệt đối kể từ khi Italy phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên vào ngày 21/2.

Dù sự lây lan của COVID-19 đang giảm ở Trung Quốc, nơi bắt nguồn dịch bệnh, nhưng số trường hợp lây nhiễm ở các nước khác như Italy lại đang tăng nhanh.

Hôm 9/3, các quan chức WHO đã lên tiếng trấn an rằng dịch bệnh này có vẻ đã được kiểm soát tại Trung Quốc và một số nước khác như Singapore.

Tuy nhiên, hiện nay đã có hơn 100 quốc gia xuất hiện các trường hợp nhiễm COVID-19, và tổng số ca nhiễm bệnh toàn cầu đã vượt quá 111.000.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên môn chương trình khẩn cấp của WHO nói: "Mọi chuyện đang nằm trong tay chúng ta… Tại rất nhiều nước, tình hình sẽ trở nên xấu đi trước khi mọi chuyện chuyển biến tốt lên".

Các quan chức WHO cho biết khoảng 93% tổng số trường hợp xác nhận nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới tập trung tại 4 nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy và Iran.

WHO nhận xét: "Chắc chắn chúng ta sẽ thấy ánh sáng cuối đường hầm. Nhưng bao giờ tình hình trở nên tốt đẹp hơn phụ thuộc vào hành động của các quốc gia".

Giang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.