Wash out và Break out trong chứng khoán là gì? Các ví dụ liên quan
Wash out
Khái niệm
Wash out là một thuật ngữ để biểu hiện trạng thái một phiên giao dịch hoảng loạn của nhà đầu tư. Đây là phiên mà thị trường chứng khoán chứng kiến sự bán tháo với lượng cung tăng dồn dập. Tuy nhiên, sau đó thị trường có thể quay đầu tăng ngay hoặc bước vào giai đoạn thị trường đi ngang (sideways), dần dần hồi phục trở lại và bước sang giai đoạn tăng điểm.
Ví dụ thực tế
Trên thực tế, thị trường chứng khoán nước ngoài không có biên độ nên phiên wash out chỉ cần một phiên để xác định đáy rõ nét. Còn thị trường chứng khoán Việt Nam, do có khống chế biên độ giao dịch (sàn HOSE +/- 7%, sàn HNX +/- 10%, sàn UpCOM +/- 15%) nên đôi khi quá trình wash out cần từ 1 - 2 phiên giao dịch.
Wash out thường bị nhầm lẫn với bẫy giảm giá (Bear Trap) do chúng đều là một phiên giảm giá mạnh, một phiên rũ bỏ hoàn toàn. Khác biệt ở chỗ, wash out là đoạn cuối cùng của sự tuyệt vọng, đỉnh điểm của sự chán nản sau một chuỗi các phiên giảm điểm liên tiếp của thị trường. Bẫy giảm giá chỉ đơn giảm là phiên giảm điểm (điều chỉnh) cho thị trường bớt nóng để đi lên tiếp trong một xu hướng tăng.
Ví dụ, sự kiện Brexit ở Anh vào ngày 24/6/2016 đã ảnh hưởng tiêu cực tới chứng khoán toàn cầu và thị trường chứng khoán Việt Nam (đại diện là chỉ số VN-Index) cũng không phải là ngoại lệ. Phiên giao dịch này, có lúc chỉ số VN-Index giảm cực mạnh -34 điểm (tương đương giảm -5,5%), có nghĩa là lúc đó hầu hết tất cả các cổ phiếu đều giảm kịch sàn, giảm hết biên độ (-7%).
Nhưng ngay sau đó, thị trường bắt đầu phục hồi và đi lên rất mạnh. Đây có thể coi là một phiên wash out điển hình.
Break Out
Khái niệm
Trái ngược với Wash out, Break out biểu hiện trạng thái chỉ số thị trường hoặc giá cổ phiếu tiếp tục tăng và phá vỡ đỉnh trước đó. Đây là trường hợp mà đường giá đi lên và vượt qua mức kháng cự tạo bởi đỉnh trước, lúc này mức kháng cự sẽ trở thành mức hỗ trợ mới. Sau thời điểm vượt thành công (đường giá có thể quay đầu thử nghiệm lại hỗ trợ nhưng vẫn bật tăng), xu thế tăng (uptrend) được hình thành rõ nét.
Có rất nhiều nhà dầu tư hiện đang đầu tư theo trường phái Break (vượt đỉnh), tức là chờ thị trường hay cổ phiếu vượt đỉnh rồi mới mua vào. Đơn giản vì họ cho rằng khi một cổ phiếu vượt đỉnh thì phía trước sẽ là cả bầu trời, không còn kháng cự, đỉnh cũ, và cổ phiếu thì sẽ đi lên.
Ví dụ thực tế
Trong giai đoạn chỉ số VN-Index tăng trưởng và đạt đỉnh năm 2018, chỉ số này đánh dấu xu thế tăng từ năm 2017 và điều chỉnh trong tháng 1/2018. Tuy nhiên, sau cú wash out đầu tháng 2, chỉ số đã đi lên và có giai đoạn đi ngang khi gặp ngưỡng kháng cự tạo bởi đỉnh trước đó. Khi bứt ra khỏi vùng này, VN-Index đã tăng một mạch lên đỉnh hơn 1.200 điểm.
(Tài liệu tham khảo: dautucophieu.net, thebank.vn)